CẦN MỞ RỘNG PHẠM VI ''NGƯỜI TIÊU DÙNG'' TRONG DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

10/02/2023

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 đã khoanh vùng khái niệm người tiêu dùng theo hướng bỏ đối tượng “tổ chức”. Chưa đồng tình với sửa đổi này, một số ý kiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng, cần mở rộng phạm vi "người tiêu dùng" không chỉ bao gồm cá nhân mà cả tổ chức mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức.

DỰ KIẾN 09 VẤN ĐỀ LỚN CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI) BÁO CÁO ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề vô cùng quan trọng góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Thúc đẩy tiêu dùng bền vững là một trong những nội dung hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người tiêu dùng. Tại Việt Nam, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27/4/1999. Tiếp đó, để tăng cường hơn nữa việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, ngày 17/11/2010, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết và kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh hiện nay, vừa qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Về đối tượng áp dụng, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình đã khoanh vùng khái niệm người tiêu dùng theo hướng bỏ đối tượng “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng. Theo đó, khái niệm người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình. Cách xác định này giúp cơ quan, tổ chức thuận lợi trong việc thực thi các quy định, tránh các tranh cãi, sự không thống nhất trong cách hiểu giữa các chủ thể.

Bên cạnh đó, cách giải thích này giúp tập trung nguồn lực để giải quyết các yêu cầu, khiếu nại liên quan đến các cá nhân mà không phải phân tán vào việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng là tổ chức, vốn có đầy đủ khả năng sử dụng các công cụ hỗ trợ hiệu quả khác như pháp luật cạnh tranh, pháp luật về thương mại.

Là một trong những điểm mới trong sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội cho rằng, phạm vi người tiêu dùng quy định như trong dự thảo là chưa đầy đủ, người mua dù là tổ chức hay cá nhân, nếu quyền lợi bị xâm phạm đều phải được pháp luật bảo vệ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, dự thảo Luật chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cho rằng, dự thảo luật có sự thay đổi rất lớn về phạm vi điều chỉnh khi đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương không tán thành với quy định này, bởi không phải khi nào thì người tiêu dùng là tổ chức cũng đủ có khả năng để đối mặt được với các hành vi vi phạm từ phía nhà kinh doanh. Do đó, nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ thì quyền lợi của nhóm đối tượng này có thể dễ bị xâm hại. Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này dù tương đối khác nhau song nhiều nước vẫn điều chỉnh cả cá nhân, tổ chức cũng như nhóm cá nhân.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Cùng quan điểm, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng khái niệm người tiêu dùng quy định như dự thảo luật vẫn chưa đầy đủ. Nhấn mạnh vấn đề cần quan tâm là mục đích tiêu dùng, đại biểu tỉnh Hòa Bình nểu rõ, chủ thể sử dụng là cá nhân hay tổ chức đều cần được luật Bảo vệ người tiêu dùng điều chỉnh và bảo vệ.

Ở góc tiếp cận khác, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nhấn mạnh, khái niệm “người tiêu dùng” quy định trong luật chưa rõ, chưa phù hợp với điều kiện hiện tại, nhất là với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Người tiêu dùng trong hình thức giao dịch truyền thống có nhiều khác biệt với giao dịch mới như giao dịch trên nền tảng số, giao dịch trên internet,… Do đó, đại biểu đề nghị, dự thảo cần có sửa đổi đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Qua nghiên cứu cũng như hoạt động thực tiễn, luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho biết, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trên thế giới cũng quy định khác nhau về khái niệm người tiêu dùng. Theo đó, có thể chia thành 2 xu hướng lớn: một là quy định người tiêu dùng chỉ là cá nhân; hai là quy định mở rộng hơn người tiêu dùng bao gồm cá nhân và tổ chức.

Không tán thành với quy định như tại Dự thảo, luật sư Đặng Thành Chung cho rằng, tổ chức cũng là đối tượng có quan hệ tiêu dùng và không phải lúc nào tổ chức cũng đủ khả năng để đối mặt được với các vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh. Khi xét về tương quan cân bằng không chỉ là tương quan về số lượng mà còn phải xét đến loại hình của tổ chức, tính chất của hàng hóa, dịch vụ cũng như đặt trong điều kiện, hoàn cảnh, phương thức của việc giao dịch. Hiện nay tổ chức mua sắm hàng hóa không chỉ là tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có quan hệ thương mại mà còn là tổ chức khác như cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, trường học, … - các tổ chức này đôi khi không chuyên nghiệp và cũng như cá nhân người tiêu dùng không có sẵn nguồn lực, nhân lực để xử lý các tình huống bị vi phạm quyền lợi.

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội

“Nếu hai tổ chức cùng đang kinh doanh một loại hàng hóa giao dịch với nhau (một bên mua về với mục đích tiêu dùng) thì có thể bên mua cũng có kinh nghiệm và lợi thế tương đương bên bán. Tuy nhiên, nếu bên mua là tổ chức không kinh doanh loại hàng hóa đó, đơn thuần chỉ mua về phục vụ sinh hoạt tiêu dùng thì không thể nào đủ tương quan với bên bán vì bên bán kinh doanh hàng hóa này nên chắc chắn có kinh nghiệm và lợi thế hơn…”, Luật sư Đặng Thành Chung dẫn chứng.

Luật sư cũng cho rằng, nếu đối tượng là tổ chức không được quy định, không được Luật bảo vệ thì quyền lợi người tiêu dùng của nhóm đối tượng này sẽ bị xâm phạm, gây thiệt hại chung cho chính những cá nhân trong tổ chức và cho cả xã hội. Ngoài ra, các quy định trong luật không chỉ có ý nghĩa giải quyết các quan hệ xã hội, vấn đề đang tồn tại mà còn có ý nghĩa dự liệu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong tương lai, hạn chế việc quy định luật không đáp ứng kịp tình hình thực tiễn. Việc quy định mở rộng khái niệm người tiêu dùng bao gồm tổ chức có thể hiểu là dự liệu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong tương lai.

Như vậy, việc quy định khái niệm người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức sẽ khắc phục được hạn chế nêu trên. Đồng thời, việc quy định như vậy không chỉ là kế thừa Luật năm 2010 mà còn thể hiện sự dự liệu của pháp luật Việt Nam để giải quyết tình huống tổ chức khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của chính mình, góp phần đảm bảo quyền lợi tiêu dùng của toàn xã hội. Tuy nhiên, để hạn chế việc gia tăng áp lực công việc cho hệ thống cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, dự thảo Luật nên xem xét quy định theo hướng trao quyền chủ động cho các tổ chức này tự thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền còn cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chỉ phối hợp, theo dõi tình hình diễn biến vụ việc và chỉ tham gia sâu, đưa ra đề xuất, biện pháp đối với trường hợp tổ chức này không tương quan cân bằng với tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

Hiện nay, dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang trong quá trình được tiếp thu, chỉnh lý va hoàn thiện. Theo dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 20 diễn ra từ ngày 13-15/2 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào 5/2023, dự luật sẽ được Quốc hội khóa XV tiếp tục cho ý kiến lần hai đồng thời xem xét thông qua./.

Lê Anh