CẦN XÁC ĐỊNH RÕ CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

10/02/2023

Dự án Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, và tiếp tục được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Quan tâm đến dự án Luật này, nhiều đại biểu và chuyên gia cho rằng cần xác định rõ các nguyên tắc, tiêu chí bình ổn giá; tránh những cách hiểu không thống nhất trong quá trình tổ chức thực thi luật.

SIẾT CHẶT HƠN ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KINH DOANH DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ TRONG DỰ THẢO LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Theo các đại biểu và chuyên gia, Dự án Luật Giá (sửa đổi) được coi là luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý nhà nước về giá; quy định các biện pháp, mức độ kiểm soát, điều tiết từ phía Nhà nước và liên quan đến nhiều luật khác. Do đó, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính thống nhất trong quản lý theo hướng các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này.

Quản lý, điều tiết giá công khai, minh bạch

Về chính sách thẩm định giá, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nêu rõ thực tế thời gian gần đây, sau hàng loạt sai phạm có liên quan đến hoạt động thẩm định giá, có thể nhận thấy thị trường thẩm định giá đã và đang phát triển nóng về số lượng nhưng chưa đảm bảo chất lượng. Vì vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh ủng hộ việc siết chặt các điều kiện hành nghề thẩm định giá theo dự thảo Luật Giá. Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng kết quả thẩm định giá phải đảm bảo đáp ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Tán thành cao ý kiến của đại biểu, một số chuyên gia cho biết, Dự thảo Luật Giá tiếp tục kế thừa nội dung quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật Giá. Việc quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật Giá tuy "cứng", nhưng thể hiện rõ quan điểm trong quản lý, điều tiết giá đó là công khai, minh bạch, tránh sự lạm dụng hoặc bổ sung các hàng hóa, dịch vụ không cần thiết vào danh mục.

Một số chuyên gia bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đính kèm dự thảo Luật Giá 01 loại hàng 7 hóa, dịch vụ, đó là: "hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá mà quá trình tổ chức hiệp thương giá bên mua và bên bán không thỏa thuận được mức giả". Bởi lẽ, trong hoạt động hiệp thương giá, trường hợp bên mua và bên bán không thương lượng thỏa thuận được mức giá thì cơ quan hiệp thương tiến hành quyết định mức giá hiệp thương để hai bên thực hiện (và chỉ được áp dụng cho đúng đối tượng đề nghị hiệp thương, không có giá trị để áp dụng cho các trường hợp khác). Về bản chất, đây chính là hoạt động định giá của Nhà nước. Việc bổ sung này sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho hoạt động hiệp thương giá.

Một vấn đề nữa mà các chuyên gia cũng khuyến khích cần quan tâm đó là: thực tiễn cho thấy bên cạnh các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Luật Giá, còn tồn tại khá nhiều hàng hóa, dịch vụ được cơ quan nhà nước định giá theo quy định của các luật chuyên ngành. Các chuyên gia đồng tình với quan điểm cần rà soát các hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước định giá tại các luật chuyên ngành. Để tạo sự thống nhất, tránh phân tán và việc lạm dụng làm phát sinh trường hợp định giá không cần thiết, chỉ nên quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật Giá, không quy định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại các luật chuyên ngành.

Dự thảo Luật Giá bổ sung nguyên tắc "hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán và không thể thay thế" để xác định phạm vi hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước định giá là phù hợp. Quy định như vậy có tính bao quát các tình huống phát sinh trong thực tiễn để bổ sung một/một số hàng hóa, dịch vụ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tuy vậy, cần làm rõ hơn cụm từ "hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu". "Hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu" có phải là "hàng hóa, dịch vụ thiết yếu" được định nghĩa tại Khoản 3, Điều 4. Giải thích từ ngữ (dự thảo Luật Giá) không? Nếu đồng nhất thì nên lược bớt từ "quan trọng" để tránh hiểu đa nghĩa. Nếu không đồng nhất thì không nên sử dụng cụm từ "thiết yếu" vì có thể gây hiểu lầm. Bên cạnh đó, cụm từ "có tính chất độc quyền trong mua bán và không thể thay thế" cũng cần nghiên cứu để làm rõ hơn thế nào là "có tính chất độc quyền" và "không thể thay thế"; trên thực tế thật khó xác định loại hàng hóa, dịch vụ "không thể thay thế".

Ông Hoàng Trường Minh, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp Hoàng Minh 

Bàn về nội dung này, ông Hoàng Trường Minh, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp Hoàng Minh cho rằng, Dự thảo Luật Giá đề xuất 3 nguyên tắc định giá, trên cơ sở kế thừa 2 nguyên tắc của Luật Giá số 11/2012/QH13. Các chuyên gia đồng tình với bổ sung nguyên tắc thứ 3 "Bảo đảm hài hòa quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và của Nhà nước" tại Khoản 3, Điều 22 (Dự thảo Luật Giá). Nguyên tắc này phù hợp với nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước đó là: "Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước" được quy định tại Khoản 2, Điều 5 (Dự thảo Luật Giá) và phản ánh rõ nét một trong những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng; tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường và có sự quản lý của Nhà nước. Đối với nguyên tắc thứ 2: "Kịp thời xem xét điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi"; so với Luật Giá số 11/2012/QH13 dự thảo có bổ sung cụm từ "xem xét". Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc chỉ định giá nếu các yếu tố hình thành giá thực sự thay đổi ảnh hưởng đến giá ở mức cần phải điều chỉnh và tôn trọng quyền tự định giá của tổ chức, cá nhân.

Đảm bảo hiệu quả cao trong áp dụng các biện pháp bình ổn giá

Đôi với vấn đề bình ổn giá, TS.Nguyễn Hữu Hiểu, Kiểm toán nhà nước và một số chuyên gia chỉ rõ, Dự thảo Luật Giá đề xuất danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá do Chính phủ quy định; Chính phủ cũng quyết định những hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục để áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong thời hạn nhất định. Tại Luật Giá số 11/2012/QH13, danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định trực tiếp tại luật (Khoản 1, Điều 15) và Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh danh mục khi cần thiết.

TS.Nguyễn Hữu Hiểu đồng tình với sự thay đổi quan trọng này của dự thảo do phù hợp với thực tiễn triển khai Luật Giá số 11/2012/QH13 trong thời gian qua; đồng thời tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn bình ổn giá; phù hợp với xu hướng vận động của nền kinh 5 tế thị trường và đạt hiệu quả cao trong áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Hàng hóa, dịch vụ được Chính phủ quy định thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Đây là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh; bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.

Tuy vậy, Luật Giá không quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì nên xác định các nguyên tắc, tiêu chí và trong những điều kiện nào thì hàng hóa, dịch vụ sẽ thuộc đối tượng bình ổn giá của Nhà nước. Các quy định này định hướng và là cơ sở để Chính phủ xây dựng danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, tránh sự lạm dụng trong việc bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào danh mục.

Dự thảo Luật Giá xác định cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện bình ổn giá trong 2 trường hợp: Giá của hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tăng cao quá mức hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường; Dịch bệnh, thiên tai hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Đối với trường hợp bình ổn giá thứ nhất, các cụm từ "tăng cao quá mức", "giảm quá thấp" nên được giải thích rõ hơn hoặc được lượng hóa tại Luật Giá hay các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành để tạo sự chủ động cho các cơ quan có chức năng thực hiện bình ổn giá và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.

Đối với trường hợp bình ổn giá thứ hai, nên bổ sung cụm từ "gây biến động giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội" ở phần cuối, như vậy sẽ trở thành "Dịch bệnh, thiên tai hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại pháp luật về tình trạng khẩn cấp gây biến động giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội". Bởi lẽ, chỉ khi dịch bệnh, thiên tai, tình trạng khẩn cấp xảy ra có tác động tiêu cực đến giá hàng hóa, dịch vụ do mất cân đối cung - cầu hay yếu tố khác đến mức phải bình ổn giá thì lúc đó mới xuất hiện sự can thiệp của Nhà nước về giá.

Dự thảo Luật Giá xác định 3 biện pháp bình ổn giá: Điều hòa, kiểm soát cung cầu; Các biện pháp về tài chính, tiền tệ; Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá. Các biện pháp bình ổn giá đã có sự điều chỉnh phù hợp hơn so với 7 biện pháp được quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13. Đồng tình với các biện pháp bình ổn giá điều hòa, kiểm soát cung - cầu và các biện pháp về tài chính, tiền tệ, theo TS.Nguyễn Hữu Hiểu các biện pháp này phù hợp với tính chất của hoạt động bình ổn giá là tác động đến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ và từ đó đưa mức giá về trạng thái bình thường, giảm thiểu hoặc làm mất đi những tác động tiêu cực của giá đối với đời sống kinh tế - xã hội và đặc biệt là đã phát huy giá trị trong thực tiễn triển khai Luật Giá số 11/2012/QH13.

Tuy vậy, nên cân nhắc xem xét biện pháp thứ 3 "định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá". Bởi lẽ, bình ổn giá là một quá trình tác động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến cung - cầu, các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ để đưa giá hàng hóa, dịch vụ về mức bình thường (không quá cao, không quá thấp theo quy định của pháp luật), không ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế - xã hội. Trong khi đó, "định giá" là quyết định về hành chính để xác định mức giá cụ thể, khung giá, mức giá tối đa, mức giá tối thiểu.

Ở giác độ nhất định, các chuyên gia đồng tình "định giá" là một trong số những liệu pháp "bình ổn giá", nhưng là liệu pháp mạnh và thể hiện rõ tính hành chính trong quản lý giá. Việc áp dụng biện pháp này đối với các hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá có thể làm giảm tính "thị trường" trong quản lý, điều tiết giá các hàng hóa, dịch vụ này. Hơn nữa, "định giá" là biện pháp được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Luật Giá; danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá không tương đồng với danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Tránh những cách hiểu không thống nhất trong quá trình tổ chức thực thi luật

Liên quan về hiệp thương giá, Dự thảo Luật Giá quy định các điều kiện đối với hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá: “Không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán mà bên mua, bên bán phụ thuộc nhau không thể thay thế được; hàng hóa, dịch vụ quan trọng được sản xuất hoặc kinh doanh trong điều kiện đặc thù". Nhiều chuyên gia đồng tình với dự thảo, tuy vậy các khái niệm "có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán", "bên mua, bên bán phụ thuộc nhau không thể thay thế được", "hàng hóa, dịch vụ quan trọng được sản xuất hoặc kinh doanh trong điều kiện đặc thù" cần được giải thích cụ thể hơn hoặc nếu đã được quy định tại các văn bản luật khác thì nên dẫn chiếu để thuận tiện cũng như tránh những cách hiểu không thống nhất trong quá trình tổ chức thực thi luật.

Trong điều kiện kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệp thương giá cần đảm bảo các nguyên tắc sau: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ tổ chức hiệp thương khi có đề nghị của các doanh nghiệp cần hiệp thương giá. Cơ quan nhà nước không chỉ định hay yêu cầu các doanh nghiệp phải hiệp thương giá; cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ tổ chức hiệp thương giá trên cơ sở tự nguyện của các doanh nghiệp.

Bê cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hiệp thương giá không can thiệp vào mức giá thương lượng của các bên, giữ vai trò trung gian hỗ trợ các bên đạt được thỏa thuận về giá, tôn trọng quyền tự quyết định giá của các doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên. Quá trình tổ chức hiệp thương phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch.

Các nguyên tắc trên phù hợp với tính chất của hoạt động hiệp thương giá, phản ánh rõ nét quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nguyên tắc trên cũng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước trong hoạt động hiệp thương giá./.

Hồ Hương