QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

10/02/2023

Dự án án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới. Nhiều ý kiến đề xuất bổ sung đối tượng, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: ĐẢM BẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI) ĐI VÀO CUỘC SỐNG VÀ CÓ TÍNH KHẢ THI CAO

PHÁT HUY HIỆU QUẢ VIỆC BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG CẦN SỰ HỖ TRỢ RẤT LỚN TỪ CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010). Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.


Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 07 Chương, 79 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021. Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cẩu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đề xuất bổ sung một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương vào trong dự án Luật

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Hiện nay, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật đang trong quá trình hoàn thiện dự án Luật để dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, đại biểu Quốc đối với dự án Luật là Khoản 2 Điều 8 đề Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất bổ sung đối tượng, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương.


Bà Phạm Thị Ngọc - Hội Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam.

Bà Phạm Thị Ngọc - Hội Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng: Chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng đã được quy định đối với tất cả các đối tượng người tiêu dùng và trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng. Việc này không chỉ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh.

Hiện tại, trong các luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi (tại Điều 9), Luật Trẻ em (tại Điều 5), Luật Người khuyết tật (tại Điều 14), Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (tại Điều 8) đã quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử nhưng thực tế dường như chưa đi vào cuộc sống. Để tăng tính rõ ràng, minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo đề nghị sử dụng thống nhất cụm từ người tiêu dùng dễ bị tổn thương tại điểm c, d, đ của khoản 2 Điều 8.


Ts.Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam.

Bày tỏ về sự quan tâm đến việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Ts.Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, tại Điều 8 quy định về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” có xác định các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm các nhóm người như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em... Với quy định này, Ts. Phạm Văn Tân đề nghị bổ sung thêm một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương vào Khoản 1, Điều 3, cụ thể là: “nhóm hoặc tổ chức của những người yếu thế”. Ví dụ như những người cô đơn không nơi nương tựa, những người khuyết tật không phải một cá nhân mà là những người trong một nhóm hoặc trong một tổ chức.

Cho ý kiến về người tiêu dùng dễ bị tổn thương ở những vùng khó khăn, ông Nguyễn Văn Cảm – Hội Thú y Việt Nam cho rằng, tại Điều 8 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cần đưa Khoản 1 giải thích người dễ bị tổn thương vào giải thích từ ngữ, trong đó cần rà soát lại mục d về câu chữ, đã quy định “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” lại còn quy định “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” theo quy định của pháp luật về công tác dân tộc là hơi thừa. Trong Mục 2, Khoản b ghi “tổ chức thực hiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Nhưng trong Điều này không có khoản 4, vì vậy nên bỏ.


Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người yếu thế, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nhấn mạnh, người yếu thế có thể rất dễ bị tổn thương nếu như quyền lợi của họ không được đảm bảo hoặc không được quan tâm khi mua bán sản phẩm, hàng hóa. Do đó, trong dự án Luật cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế như người tàn tật, khuyết tật, người nghèo...

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế được hiệu quả hơn, trong dự án Luật cần quy định rõ các tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm không được từ chối bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế, dễ bị tổn thương.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đối với dự án Luật. Những ý kiến, đề xuất của dự án Luật sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa, làm rõ hơn để trình Quốc hội cho ý kiến, đóng góp tại Kỳ họp thứ 5 tới nhằm đảm bảo tốt hơn lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng./.

Bích Lan