HOÀN THIỆN CƠ CHẾ LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

10/02/2023

Lấy ý kiến nhân dân là một trong những khâu quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật. Do đó, để xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, một trong những yêu cầu đặt ra là cần bảo đảm thực thi và tiếp tục hoàn thiện cơ chế lấy ý kiến nhân dân hiệu quả, thực chất

UBTVQH NHẤT TRÍ TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐẾN HẾT NGÀY 15/3/2023

 Lấy ý kiến nhân dân là một khâu quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật

Quyền của người dân được tham gia vào quá trình xây dựng và hoạch định chính sách đã được ghi nhận trong hệ thống pháp luật. Cụ thể, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trong hoạt động lập pháp đã được thể chế hoá tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của người dân để nghiên cứu tiếp thu nhằm làm cho các chính sách được đề xuất sau khi được luật hóa sẽ phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

Xác định rõ tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của việc lấy ý kiến nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã bổ sung những quy định hợp lý hơn về việc lấy ý kiến. 

Trong quá trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, điểm a, b khoản 1 Điều 36 quy định trách nhiệm lấy ý kiến và hình thức  lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, để lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, cơ quan, tổ chức lập đề nghị phải đăng tải báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức có đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Thời gian đăng tải ít nhất là 30 ngày.

Trong quá trình soạn thảo văn bản, khoản 1 Điều 57 quy định: cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định, cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên cổng thông tin điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 của Luật này và của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là 60 ngày, trừ những văn bản được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.

Với những quy định nêu trên, có thể thấy rằng, việc lấy ý kiến trong Luật năm 2015 đã được sửa đổi khá toàn diện, với nhiều quy định mới, tiến bộ, hợp lý nhằm tăng cường tính dân chủ, phát huy trách nhiệm của công dân cũng như bảo đảm tốt hơn sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật

Nhận định về nội dung này, ông Phan Lâm, Trưởng ban biên tập và Trị sự tạp chí Pháp luật và Phát triển, Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean cho biết, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quá trình xây dựng pháp luật bao gồm từ khâu đề xuất ý tưởng cho đến quá trình xây dựng dự thảo, lấy ý kiến đóng góp, thẩm định, xem xét thông qua, gửi và lưu. So với quy định của Luật Ban hành Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1998 và năm 2008 thì quá trình  xây dựng  Luật Ban hanh Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có nhiều thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức nhằm bảo đảm việc  xây dựng pháp luật có chất lượng và thực thi có hiệu quả. Tuy nhiên, để cuộc sống đi vào pháp luật và pháp luật đi vào cuộc sống thì việc đẩy mạnh và nâng cao vai trò của người dân và doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật.

Việc lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo luật, pháp lệnh,…có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây chính là kênh thông tin quan trọng để xây dựng chính sách, pháp luật. Trong quá trình triển khai trên thực tế, việc lấy ý kiến nhân dân đối với những văn bản pháp luật quan trọng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế về hình thức lấy ý kiến, công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến;… Vì vậy, để người dân có nhiều cơ hội hơn được tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách, pháp luật; góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, hiệu quả rất cần có thêm các cơ chế, hình thức lấy ý kiến đảm bảo hiệu quả, thực chất.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp làm việc với Tp. Hà Nội về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Ảnh tư liệu ngày 27/2/2013)

Theo GS.TS Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cần có các quy định và thực hiện tốt khâu tổ chức để thực thi các quy định về việc Nhân dân phúc quyết Hiến pháp, trưng cầu ý dân về dự thảo Luật. Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, ví dụ bằng phương pháp bỏ phiếu trực tuyến, các hoạt động thăm dò dư luận,… Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh, tạo điều kiện để nhân dân tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đoàn thể, trước hết là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, GS.TS Phan Trung Lý cũng cho rằng, cần quan tâm chú trọng tới khâu theo dõi, tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và giải trình ý kiến của nhân dân. Báo cáo tiếp thu giải trình cần nêu rõ bao nhiêu ý kiến đóng góp, ý kiến được tiếp thu, không được tiếp thu, … Đồng thời, cải tiến nội dung, cách thức lấy ý kiến theo hướng cơ cấ lại nội dung đưa ra lấy ý kiến, xác định rõ vấn đề cụ thể có tính chất phúc quyết,…

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”. Để thực hiện mục tiêu này, Văn kiện yêu cầu, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp. Vì vậy, đổi mới và hoàn thiện quy định đối với từng công đoạn cụ thể trong quy trình lập pháp trong đó có việc lấy ý kiến Nhân dân là vô cùng cần thiết./.

Lê Anh