THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

07/02/2023

Chiều 07/2, tại Trụ sở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Thường trực Ủy ban Xã hội có buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ về Dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, dự kiến việc phê chuẩn các công ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đồng chủ trì cuộc làm việc.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH TIẾP THƯỢNG NGHỊ SĨ SANTO AKIKO, NGUYÊN CHỦ TỊCH THƯỢNG VIỆN NHẬT BẢN

Xây dựng 02 dự án Luật và nghiên cứu, đề xuất gia nhập 03 Công ước

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ thực hiện kế hoạch xây dựng 02 dự án Luật và nghiên cứu, đề xuất gia nhập 03 công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) trong giai đoạn 2023-2026.

Đối với Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật; Tổ chức các cuộc họp Ban Soạn thảo để trao đổi, cho ý kiến về Kế hoạch soạn thảo và trình dự án Luật BHXH (sửa đổi), quan điểm xây dựng Luật, một số nội dung lớn và cho ý kiến đối với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Bộ LĐTBXH và BHXH Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị chuyên môn của hai cơ quan, các cuộc họp kỹ thuật với các cơ quan có liên quan để trao đổi, cho ý kiến đối với từng vấn đề, từng nội dung cụ thể của Luật BHXH (sửa đổi).

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiền hành lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự án Luật; đăng tải dự án, dự thảo Luật trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ LĐTBXH; tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động; lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu đối với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi); tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia để hoàn thiện dự thảo xin ý kiến Ban soạn thảo, Tổ biên tập trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho biết, đối với Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), thời gian tới Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ và hoàn thiện Hồ sơ trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01/3/2023. Phối hợp với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) và xây dựng Hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) (sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024).

Liên quan đến Công ước số 87 của ILO về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức (1948), Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã xác định các nhóm công việc cụ thể sẽ được thực hiện đề xuất gia nhập Công ước gồm: Thành lập Tổ nghiên cứu liên ngành đề xuất gia nhập Công ước số 87; Nghiên cứu nội dung Công ước số 87 và các tài liệu có liên quan tới Công ước; Rà soát, hệ thống hoá pháp luật Việt Nam có liên quan Công ước số 87; Khảo sát đánh giá thực tiễn thực hiện quyền tự do liên kết, bảo vệ quyền tổ chức và khả năng Việt Nam gia nhập Công ước số 87; Xây dựng các tài liệu trong Hồ sơ trình gia nhập Công ước số 87 theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; Tham vấn ý kiến các chuyên gia, họp kỹ thuật, hội thảo tham vấn Hồ sơ trình Công ước số 87; Thực hiện các thủ tục chính thức trình đề xuất, gia nhập Công ước số 87 theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các tài liệu trong Hồ sơ trình gia nhập Công ước số 87 và tiến hành các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến, học tập kinh nghiệm… theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, dự kiến trình Chính phủ vào Quý IV/2023.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trình bày báo cáo

Về Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu (1970), thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các tài liệu trong hồ sơ trình gia nhập Công ước số 131 theo quy định của Luật Điều ước quốc tế; tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tham vấn các bên liên quan để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình gia nhập Công ước; Thực hiện trình tự, thủ tục để trình về đề xuất gia nhập Công ước theo quy định của Luật Điều ước quốc tế (giai đoạn 2023-2024).

Đối với Công ước số 102 về quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội (1952), Bộ sẽ xây dựng một số tài liệu nghiên cứu có liên quan như: Báo cáo nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp giữa quy định của pháp luật Việt Nam với quy định của Công ước số 102; Báo cáo đánh giá thực tiễn triển khai pháp luật Việt Nam về an sinh xã hội so với quy định của Công ước số 102; Báo cáo rà soát, cập nhật, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến an sinh xã hội; Báo cáo đánh giá tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của Công ước số 102; Báo cáo đánh giá sự tương thích của Công ước số 102 với các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên; Dự thảo Kế hoạch thực hiện Công ước số 102. Nghiên cứu, xây dựng các tài liệu, tổ chức các cuộc họp, hội thảo tham vấn các bên liên quan để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình gia nhập Công ước. Thực hiện trình tự, thủ tục để trình về đề xuất gia nhập Công ước theo quy định của Luật Điều ước quốc tế (giai đoạn 2025-2026).

Ngoài ra, Bộ cũng triển khai các công việc liên quan đến một số dự án luật khác đang trong quá trình tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn sau năm 2025. Cụ thể, về Luật Bình đẳng giới, Bộ đã tổng kết, đánh giá 15 năm thi hành; đang trong giai đoạn đánh giá tác động một số dự kiến chính sách được sửa đổi, bổ sung để xây dựng Hồ sơ đề nghị. Với Luật Người khuyết tật, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Bộ đang tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật. Trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thi hành, Bộ LĐTBXH sẽ xác định phạm vi và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật này, trình Quốc hội thời điểm thích hợp.

Về Luật Người cao tuổi, Bộ đang xây dựng kế hoạch tổng kết tình hình thực hiện Luật. Một trong những nội dung lớn là sửa đổi độ tuổi của người khuyết tật được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Đây là vấn đề cần được tổng kết, đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hoà với các chính sách của các luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như chính sách trợ cấp hưu trí xã hội, hưu trí tự nguyện của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Với Luật Phòng, chống mại dâm, Bộ đang tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Pháp lệnh. Trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thi hành, Bộ LĐTBXH sẽ xác định phạm vi và nghiên cứu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm trình Quốc hội thời điểm thích hợp.

Đảm bảo chất lượng và tiến độ, đáp ứng yêu cầu của thực tế

Tham gia thảo luận tại cuộc làm việc, các đại biểu cho rằng trong triển khai công tác sắp tới, Bộ LĐTBXH cần bám sát nội dung định hướng, nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Cùng với đó, các đại biểu cũng cho rằng, cần ưu tiên đề xuất vào Chương trình các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật…

Các đại biểu cũng nêu rõ, việc xây dựng, điều chỉnh, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần có sự sắp xếp hợp lý, đầu tư thời gian và nguồn lực thích đáng, đáp ứng yêu cầu cao nhất về chất lượng và tiến độ, đồng thời cũng cần đảm bảo sự linh hoạt để có những thay đổi kịp thời, đáp ứng đòi hỏi của thực tế đời sống.

Đi vào nội dung cụ thể, thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu nhấn mạnh, Luật cần có những quy định chặt chẽ để khẳng định vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công, xây dựng thành hệ thống nghiệp vụ thống nhất, trợ giúp đắc lực cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu thập thông tin và điều phối thống nhất thị trường lao động.

Các đại biểu tham gia thảo luận

Một số ý kiến cho rằng, cần có chính sách xác lập vị trí, vai trò của hệ thống dịch vụ việc làm tư nhân, cách thức vận hành, phối hợp với hệ thống dịch vụ việc làm công. Đồng thời, cần làm rõ các nội dung liên quan đến cơ sở dữ liệu việc làm, cách thức thu thập, phân tích thông tin, dự báo xu hướng trong thị trường lao động, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các hệ thống ngoài nhà nước trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu này.

Tham gia thảo luận Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng việc sửa đổi Luật Việc làm cần có quy định miễn phí tư vấn giới thiệu việc làm để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giải quyết vấn đề việc làm cho người nghèo. Đây là vấn đề được nhiều cử tri mong mỏi gửi gắm và hứa hẹn tạo nên thay đổi lớn cho đời sống người dân nghèo. Cùng đóng góp ý kiến về vấn đề này, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh cần đánh giá, xem xét kỹ lưỡng để những quy định của luật theo sát được sự thay đổi nhanh chóng của bản chất việc làm trong thời đại khoa học công nghệ.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đại diện Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết, dự án Luật đã bổ sung thêm các nội dung mới liên quan đến việc quản lý lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, liên thông kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư, xem xét phương án lập sổ lao động số hóa đối với mỗi người lao động trên 15 tuổi, qua đó dễ dàng thực hiện các chính sách hỗ trợ, chính sách xã hội.

Thêm vào đó, đại diện ban soạn thảo cũng cho biết, dự án Luật dự kiến sẽ có quy định về bộ chỉ số đánh giá sức khỏe của thị trường lao động; thống nhất, đồng bộ về tiêu chuẩn chất lượng đào tạo, cấp chứng chỉ lao động, hành nghề giữa hệ thống công và tư; ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, hỗ trợ, tư vấn việc làm, chi trả bảo hiểm thất nghiệp…

Liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật cần lưu ý đảm bảo nâng cao độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, đặc biệt với đối tượng là người cao tuổi; mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, đối tượng không hưởng lương...

Đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTBXH cho biết, qua quá trình đánh giá, tổng hợp, ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thống nhất bổ sung chế độ thai sản tự nguyện, với nguồn chi từ ngân sách; mở rộng bao phủ đối tượng thụ hưởng; bổ sung các chế tài nhằm hạn chế việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm; thiết kế cơ chế để tăng mức thụ hưởng, tăng quyền lợi cho các đối tượng bảo lưu bảo hiểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chia sẻ với những khó khăn và khối lượng công việc lớn của Bộ, đồng thời nhấn mạnh Ủy ban luôn đồng hành giải quyết các khó khăn. Thời gian tới, Ủy ban Xã hội sẽ tổ chức các cuộc làm việc, các đoàn giám sát liên quan đến các đề xuất sửa đổi của các Luật để có căn cứ thuyết phục về sự cần thiết ban hành luật, cũng như làm rõ các chính sách bổ sung của luật. Đồng thời, đề nghị Bộ cần sớm rà soát, trình hồ sơ xây dựng luật đưa vào chương tình xây dựng luật pháp lệnh, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra chính thức theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi có đầy đủ các văn bản.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh cuộc làm việc:

Quang cảnh cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng việc sửa đổi Luật Việc làm cần có quy định miễn phí tư vấn giới thiệu việc làm để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giải quyết vấn đề việc làm cho người nghèo

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh cần đánh giá, xem xét kỹ lưỡng để những quy định của luật theo sát được sự thay đổi nhanh chóng của bản chất việc làm trong thời đại khoa học công nghệ

TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội còn một số vấn đề cần nghiên cứu, việc sửa đổi Luật Việc làm cần phải xử lý việc quản trị nguồn nhân lực quốc gia

Đại diện Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ bổ sung thêm các nội dung mới liên quan đến việc quản lý lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, liên thông kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư

Đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTBXH cho biết, ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thống nhất bổ sung chế độ thai sản tự nguyện, với nguồn chi từ ngân sách; mở rộng bao phủ đối tượng thụ hưởng

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc làm việc

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thời gian tới, Ủy ban Xã hội sẽ tổ chức các cuộc làm việc, các đoàn giám sát liên quan đến các đề xuất sửa đổi của các Luật để có căn cứ thuyết phục về sự cần thiết ban hành luật, cũng như làm rõ các chính sách bổ sung của luật./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Các bài viết khác