Đánh giá tính kịp thời, phù hợp, thống nhất của các văn bản đã ban hành với nội dung của luật
Đánh giá quá trình tổ chức thực hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực phụ trách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua 13 luật và 02 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó có 05 luật ban hành mới, 08 luật sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, Ủy ban còn tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung và 01 nghị quyết giải thích luật.
Thực hiện quy định tại Điều 40 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Chương XV Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Kinh tế đã thực hiện giám sát văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua do Ủy ban chủ trì thẩm tra bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai
Để tổ chức triển khai hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, Ủy ban Kinh tế đã lập kế hoạch và đưa vào chương trình công tác chung của Ủy ban hằng năm về nội dung giám sát. Thực hiện chương trình công tác hằng năm, Ủy ban Kinh tế chủ động triển khai tiến hành rà soát các nội dung cần hướng dẫn, thi hành của các dự án luật thuộc lĩnh vực của Ủy ban phụ trách đã được Quốc hội thông qua; có văn bản gửi các Bộ, ngành (cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật) và cơ quan có liên quan đề nghị báo cáo về các nội dung phụ trách theo thẩm quyền, trong đó gửi kèm đề cương Báo cáo giám sát về:
(1) Báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn các nội dung được giao cho theo Chính phủ, các văn bản đã ban hành và nội dung đã được quy định; các văn bản chưa được ban hành và nội dung chưa được quy định; thời gian dự kiến sẽ ban hành;
(2) Đánh giá tính kịp thời, phù hợp, thống nhất của các văn bản đã ban hành với nội dung của luật; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc khi ban hành và thực thi văn bản hướng dẫn theo quy định của luật, nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc;
(3) Kiến nghị và đề xuất về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; việc thực hiện các quy định liên quan về trình tự thủ tục ban hành văn bản hành văn bản quy phạm pháp luật, các biện pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện; trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các kiến nghị đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cũng cho biết, trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành kết hợp với quá trình theo dõi, cập nhật tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, Ủy ban Kinh tế xây dựng Báo cáo giám sát hàng năm gửi UBTVQH về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Các báo cáo phản ánh đánh giá khách quan, trung thực về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc kỳ giám sát, chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; từ đó đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ, bộ, ngành có liên quan; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp, kịp thời và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, trong quá trình theo dõi việc triển khai thực hiện Luật, Ủy ban Kinh tế đã chủ động theo dõi thông tin, lắng nghe phản ánh từ các phương tiện thông tin, truyền thông, các đối tượng chịu tác động của luật như: người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, nhà đầu tư, các chuyên gia, các luật sư về những quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, phối hợp với Bộ, ngành cập nhật tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo một số Nghị định hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật, tham dự các hội thảo, tọa đàm để nghe đánh giá của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về Luật, đóng góp ý kiến về dự thảo một số Nghị định hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật. Đối với các Luật đã có hiệu lực nhưng Nghị định hướng dẫn chưa được ban hành, điều này đã gây khó khăn, lúng túng cho quá trình triển khai áp dụng Luật.
Trên cơ sở kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội các Bộ, ngành có liên quan thực hiện việc rà soát về số liệu và các nhận định, đánh giá về những nội dung liên quan thuộc lĩnh vực phụ trách trong dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai nêu rõ, để triển khai Kế hoạch giám sát hằng năm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế có xây dựng các báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục
Qua quá trình thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục qua nhiều năm như: Việc văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực đồng thời với hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh chưa được thực hiện triệt để, trong đó có tỷ lệ ban hành chậm còn cao và tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật thuộc lĩnh vực Ủy ban Kinh tế phụ trách vẫn chưa được cải thiện, có nội dung luật giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết. Một số văn bản quy định chi tiết chưa tuân thủ đúng, đầy đủ quy trình xây dựng và ban hành theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số nội dung luật giao Chính phủ, Bộ trưởng theo thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhưng nhiệm vụ này chưa được thể hiện trong Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết hoặc đã được thể hiện nhưng nghị định, thông tư khi ban hành còn thiếu nội dung. Có nội dung trong quá trình triển khai thi hành phát sinh bất cập, tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về quy định giữa các luật có liên quan gây vướng mắc cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, địa phương.
Qua đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại, hạn chế nêu trên là:
Thứ nhất, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật trong một số trường hợp chưa nghiêm, trong đó việc thực hiện xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc;
Thứ hai, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn chưa hiệu quả, chặt chẽ ngay từ khi xây dựng dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua cho đến khi xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, mặc dù dự thảo các văn bản quy định chi tiết được trình kèm theo trong Hồ sơ dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội nhưng còn mang tính hình thức, chưa đầy đủ và chưa lường hết tình huống phát sinh. Vẫn còn tình trạng những nội dung quy định trong các văn bản hướng dẫn không phù hợp với quy định của luật, có trường hợp cách diễn giải một số nội dung chưa thống nhất với cách hiểu quy định của luật dẫn đến phải lấy ý kiến nhiều lần, mất nhiều thời gian nghiên cứu để thống nhất ý kiến giữa các cơ quan có liên quan, thời gian xây dựng, ban hành văn bản bị chậm so với dự kiến, gây lúng túng, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ ba, nguồn lực bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, đặc biệt là năng lực của đội ngũ cán bộ và kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Phương hướng, tổ chức giám sát trong thời gian tới
Đề cập về phương hướng, tổ chức giám sát trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, ngày 22/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, trong đó đã hướng dẫn về trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện giám sát, báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Do vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai nhấn mạnh, Nghị quyết 560/NQ- UBTVQH15 là căn cứ pháp lý để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chức thực hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
Hội đồng Dẫn tộc và các Ủy ban của Quốc hội chủ động và thường xuyên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và các quy định của pháp luật có liên quan.
Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chủ động rà soát, lập đề cương chi tiết, xây dựng kế hoạch giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực phụ trách gửi tới các Bộ, ngành bảo đảm đúng nội dung, nguyên tắc, mục đích giám sát và trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện giám sát của Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Đồng thời tiếp tục tăng cường nâng cao năng lực của cán bộ trong công tác giám sát nói chung và công tác giám sát ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.