XÂY DỰNG NĂNG LỰC TỰ CHỦ, GIÚP NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH LÂU DÀI

07/02/2023

Nhằm triển khai thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng cùng các Luật, Nghị quyết khác đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 05/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngân hàng chính sách xã hội đến năm 2030.

Xây dựng năng lực tự chủ, giúp Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển ổn định lâu dài

Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội đang đặt ra yêu cầu duy trì và tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; Tập trung, thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Chính sách xã hội; Nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội.

Nhằm triển khai thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng cùng các Luật, Nghị quyết khác đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 05/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngân hàng chính sách xã hội đến năm 2030.

Phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài

Theo đó, Chiến lược được xây dựng hướng tới mục tiêu phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Nhà nước tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và các nội dung của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về mục tiêu cụ thể, Chiến lược xác định rõ mục tiêu thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, tăng trưởng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bình quân hằng năm khoảng 10%; cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững, hằng năm tăng dần tỷ trọng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh.

Cùng với đó, Chiến lược cũng hướng tới mục tiêu thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do các địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội: hằng năm ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15% - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chiến lược xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần tích cực triển khai trong thời gian tới. Trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư tới 100% các tổ chức, cơ sở đảng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Chủ động đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư. Phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chiến lược nêu rõ, cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp từng giai đoạn. Nghiên cứu, xây dựng Nghị định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; nghiên cứu, sửa đổi chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ; hoàn thiện cơ chế xử lý nợ bị rủi ro và cơ chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội. Rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của pháp luật về tập trung huy động vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Nhằm tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, cần tập trung nguồn lực nhà nước thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, các chương trình mục tiêu Quốc gia, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công, vốn điều lệ được bổ sung hằng năm tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao.

Chiến lược cũng nêu rõ, cần tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp chiếm 30%/tổng nguồn vốn. Cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội. Đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn. Duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước của các tổ chức tín dụng Nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh chiếm 30%/tổng nguồn vốn.

Minh Hùng

Các bài viết khác