ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ TĂNG LƯƠNG CƠ SỞ CÀNG SỚM CÀNG TỐT

02/11/2022

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong phiên thảo luận của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét việc tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt.

TỔNG THUẬT CHIỀU NGÀY 27/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương ứng với tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, việc đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được đưa ra để áp dụng cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Việc thực hiện điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ ngày 01/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 01/01/2023.

Đây là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển trong kinh tế - xã hội năm 2023.  

Việc Chính phủ trình phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay nhằm bảo đảm giữ chân nguồn nhân lực trong khu vực công, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.

Theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội, nếu thời điểm tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 thì tính từ tháng 7/2019 thì 4 năm mới được tăng lương. Như vậy, người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế cán bộ, công chức kể cả cấp xã. Các đại biểu cho rằng, hiện nay mong muốn của người hưởng lương là kiến nghị Chính phủ cần cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương sớm hơn từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương.

Tại Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với đề xuất này của Chính phủ và đề nghị Chính phủ xem xét việc tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam 

Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị Chính phủ thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, song cũng cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương để góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương.

Cùng với việc nâng lương cơ sở, đại biểu cho rằng, cũng cần sớm điều chỉnh mức trợ giúp xã hội (hiện nay đang là 360 nghìn đồng/tháng) bởi đây là mức tiền rất thấp đối với các đối tượng được trợ giúp.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023. Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương cho biết, thời gian gần đây, nhất là khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ trình phương án tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… tăng liên tục. Trong khi đó, tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng. Lương tối thiểu vùng của người lao động cũng tăng không cao, chỉ 6% - thấp hơn nhiều so với số chỉ số trượt giá và tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP.

Đại biểu Xương cho rằng, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý đối với nhóm đối tượng này.

Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Theo nữ đại biểu, cử tri và cán bộ, công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội việc tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. “Theo ý kiến của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức đề xuất Chính phủ tăng lương từ ngày 1-1-2023 vì theo phương án trình của Chính phủ là tăng lương từ ngày 1/7/2023, nếu tính khoảng cách giữa hai lần tăng lương là 4 năm”, đại biểu cho biết.

Bên cạnh đó, theo đại biểu tỉnh Hậu Giang, Chính phủ cũng cần có các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng; lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng. Nếu như vậy thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn.

Cùng với đó, đại biểu kiến nghị nghiên cứu, xem xét sửa đổi Nghị định 56 ngày 4/7/2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập; trong đó nâng mức lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% tăng lên mức 100%. Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh 

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, qua tổng hợp ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp nhận thấy một nội dung rất quan trọng, được nhiều cử tri quan tâm, đó là trong kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do (Ngân sách Nhà nước) NSNN chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Với thời điểm thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2023, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn cho rằng, cần thực hiện việc điều chỉnh tăng lương cơ sở ngay thời điểm ngày 01/01/2023, thay vì ngày 01/7/2023 như phương án Chính phủ trình.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, việc kiến nghị tăng lương sớm hơn 06 tháng vì 04 lý do. Cụ thể, sau khi Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Giờ đã đến lúc, các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước cần phải được quan tâm, xem xét tăng lương, phụ cấp để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Theo các báo cáo của Chính phủ, mặc dù thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, do tình hình dịch bệnh Covid-9 phát sinh làm cho kinh tế đứt gãy, tăng trưởng chậm lại, nhưng trong 02 năm qua nhà nước đã cố gắng, nỗ lực chi hỗ trợ hơn 237.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn 86.000 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, các khoản phí và lệ phí…. hơn 151.000 tỷ đồng.

Đến nay, kinh tế đã phục hồi rất tốt, đời sống người dân cũng dần ổn định, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường và phát triển tốt…. Nhưng xuất hiện một thực trạng đáng lo, đó là theo báo cáo của Chính phủ, đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư, nguyên nhân chính là do mức lương không đủ sống. Vì vậy việc điều chỉnh lương cơ sở kịp thời sẽ từng bước kéo giảm chênh lệch mức lương giữa khu vực công và khu vực tư, góp phần ngăn sự dịch chuyển này.

Bên cạnh đó, hiện nay lực lượng cán bộ, công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc và áp lực xã hội ngày càng nhiều hơn do nhu cầu thực tiễn phát sinh, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; mặt khác chúng ta đang thực hiện nghiêm chính sách tinh giảm biên chế, người ít nhưng việc nhiều, trong khi tốc độ ứng dụng và hàm lượng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần bù đắp những áp lực cơ bản ấy.

Đại biểu Tuấn cho biết, lần điều chỉnh lương cơ sở gần đây nhất là 01/7/2019, nên nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào ngày 01/7/2023 như Tờ trình của Chính phủ, thì mất 04 năm công chức, viên chức mới được tăng 20,8%... trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng qua các năm từ 2019 đến 2022 bình quân khoảng 11,8%. Như vậy, nếu trừ yếu tố lạm phát, trong 04 năm, tiền lương công chức, viên chức chỉ tăng khoảng 9%, điều này là không hợp lý so với mức tăng trưởng kinh tế cả nước hơn 20% trong giai đoạn từ 2019 đến 2022. Mặt khác, theo dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023 sẽ vào khoảng 4,5 - 5,0%, do vậy việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2.

Do vậy, đại biểu Tuấn cũng đề xuất tăng lương cơ sở từ 01/01/2023, sớm hơn 6 tháng so với Chính phủ trình Quốc hội.

+ Trước đó vào ngày 20-10, trình bày báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại phiên khai mạc họp thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2023, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023. Cùng với đó, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) từ 1/7/2023.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu NSNN, lương cơ sở chưa được điều, chỉnh từ năm 2020 trở lại đây, theo đó nếu tiếp tục giữ mức 1,49 triệu đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước.

Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp./.

Thu Phương