TẠO MÔI TRƯỜNG CÔNG BẰNG, MINH BẠCH, NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH QUỐC TẾ CỦA DOANH NGHIỆP

02/11/2022

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là dịp nhìn lại, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thời gian qua, cũng như hoạch định chính sách kinh tế trong thời gian tới. Bàn về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần có chiến lược phát triển doanh nghiệp phù hợp, tạo môi trường vận hành công bằng, minh bạch để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp tư nhân trong nước.

CẦN SỰ NỖ LỰC RẤT LỚN TRONG GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là dịp nhìn lại, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thời gian qua, cũng như hoạch định chính sách kinh tế trong thời gian tới. Bàn về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần phát huy tối đa vai trò của các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước với tốc độ nhanh hơn và đồng đều hơn; đồng thời phải làm cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trở nên tự chủ hơn, năng động theo quy luật thị trường và tiếp tục đầu tư phát triển nhiều hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và đóng góp tương xứng với nguồn lực đang sử dụng đối với phát triển kinh tế quốc gia.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược phát triển doanh nghiệp phù hợp, tạo môi trường vận hành công bằng, minh bạch để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Xác định đúng đắn vai trò của khu vực nhà nước và DNNN trong nền kinh tế. Đối với FDI, cần lựa chọn đối tác và quốc gia theo hướng thu hút đầu tư gắn với công nghệ cao và quản lý tiên tiến, mở rộng thị trường, tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng, sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Điều nay sẽ góp phần từng bước nâng cao nội lực của nền kinh tế, khắc phục sự phụ thuộc ngày càng nhiều, thậm chí quá mức vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cả ở cấp độ địa phương, ngành và toàn nền kinh tế.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4

Một việc quan trọng cần thực hiện là đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp để cùng với chính phủ và người dân xây dựng quốc gia đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thành lập các trung tâm tri thức và sáng tạo, các thành phố sáng tạo cùng các hệ sinh thái sáng tạo, các ngân hàng ý tưởng và đổi mới sáng tạo, các vườn ươm công nghệ cao và sáng tạo, v.v. Trên cơ sở đó, cần xem xét chiến lược đầu tư ra nước ngoài không chỉ để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, mà chiếm lĩnh thị trường khoa học công nghệ.

Đồng thời, cần rà soát và lựa chọn sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế trước những thay đổi toàn cầu diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Tư duy thúc đẩy tăng trưởng dựa vào các nguồn lực truyền thống như tăng sản lượng khai thác tài nguyên thiên nhiên và tận dụng lao động giá rẻ là không còn phù hợp mà cần phải đẩy mạnh nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, một nguồn lực cho phép tạo ra một không gian lớn cho phát triển. Cần lấy doanh nghiệp là trung tâm của hiện đại hóa công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời khuyến khích mạnh mẽ khu vực tư nhân đầu tư cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới, tham gia vào cung cấp dịch vụ công, phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, tận dụng cơ hội của kỷ nguyên số và xu hướng chuyển đổi số.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4

Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục kiên định cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, bởi cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản là những định hướng chính sách quan trọng nhất để thu hút, phát huy tối đa tác dụng các dòng vốn cả trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu mới của của quá trình phát triển trong bối cảnh mới, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Hệ thống giáo dục cần phải có những cải cách mang tính thị trường, hướng tới đáp ứng nhu cầu thực của thị trường lao động, đảm bảo cơ cấu hợp lý phù hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành, lĩnh vực; yếu tố chi phí đào tạo cần được tính đủ để tránh lãng phí nguồn lực. Chủ động hội nhập trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực.

Thêm vào đó, cần thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, gắn với tư duy rõ ràng hơn về yêu cầu củng cố mức độ độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Khai thác tối đa các cơ hội, thuận lợi và phù hợp xu thế phát triển trên thế giới, không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chủ động nâng cấp vị thế của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường nội lực, khả năng chống chịu và phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước. Đẩy mạnh thực chất đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, đối tác; làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng và thị trường tiềm năng.

Ngoài ra, các nhà quản lý, chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tranh thủ, khai thác tối đa cơ hội, lợi ích của các cam kết hợp tác, hội nhập song phương, khu vực và quốc tế. Coi trọng hơn tăng cường hợp tác, tham gia phù hợp các liên kết kinh tế của các nước, các nền kinh tế “tầm trung” để gia tăng thế cân bằng, tránh phụ thuộc vào một số đối tác lớn. Xử lý quan hệ với các đối tác lớn trong các liên kết, tập hợp lực lượng kinh tế phù hợp, khôn khéo trên cơ sở lợi ích quốc gia-dân tộc, khai thác mặt cạnh tranh để tranh thủ các hợp tác có lợi cho an ninh và phát triển đất nước.

Minh Hùng