PGS. TS DOÃN HỒNG NHUNG: CHẤT VẤN NHỮNG NHÓM VẤN ĐỀ BÁM SÁT HƠI THỞ CUỘC SỐNG

02/11/2022

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều mai (ngày 03/11), Quốc hội sẽ tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn đối với 04 nhóm vấn đề. Quan tâm và chờ đợi phiên chất vấn, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn sát với thực tế, mang hơi thở cuộc sống, là những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm…

 

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề, gồm lĩnh vực:  Xây dựng, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra. Quan tâm đến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 sát với thực tế, mang hơi thở cuộc sống, là những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm…

Phóng viên: Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ ngày 03-05/11 tới. Theo đó, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn là xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra. Vậy PGS.TS có nhận định như thế nào về những nhóm vấn đề, Quốc hội lựa chọn chất vấn lần này?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội: Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn với 04 nhóm vấn đề, thuộc các lĩnh vực về xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra.

Theo đó, nhiều vấn đề nổi cộm cần sớm làm rõ, tháo gỡ được lựa chọn đặt lên bàn nghị sự như: Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia; Quản lý thị trường bất động sản; Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn;…

Bên cạnh đó, nội dung về việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân; Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, … cũng được lựa chọn để chất vấn.

Như vậy, có thể thấy các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn là toàn diện, vừa mang tính cụ thể vừa lâu dài, phản ánh được hơi thở của cuộc sống. Đặc biệt, có nhiều nội dung chất vấn liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội

Phóng viên: Trong những nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đâu là nội dung PGS.TS đặc biệt quan tâm?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội: Đối với 4 nhóm vấn đề, tôi đặc biệt quan tâm đến nội dung thuộc lĩnh vực nội vụ. Đó là, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy – học;…Tôi kỳ vọng qua phiên chất vấn tới đây, vấn đề này sẽ được làm rõ, sớm tháo gỡ để đảm bảo nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến hoạt động giám sát của Quốc hội với vấn đề thanh tra và kiểm soát quyền lực Nhà nước trong tiến trình thực thi  “Chính phủ kiến tạo” và “ Nhà nước phụng sự”.

Chúng ta có thể nhận thấy tính hiệu quả của cơ chế dân chủ đại diện trong thực hành dân chủ, bảo đảm và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, giữ vững kỷ cương xã hội, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước. Quốc hội là cơ quan nhà nước duy nhất được Nhân dân giao thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước nhằm góp phần kiểm soát quyền lực, bảo đảm việc tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta được thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau, đó là: kiểm soát bằng nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính từ tự phê bình và phê bình, gắn với xây dựng đạo đức cầm quyền, chức vụ càng cao càng phải nêu gương; kiểm soát bằng quản trị tốt dựa trên các nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; kiểm soát thông qua giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; kiểm soát thông qua giám sát dư luận và phản biện của báo chí, truyền thông.  

Phóng viên: Qua theo dõi hoạt động của Quốc hội, PGS.TS có đánh giá như thế nào về những đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng trong những năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV?

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội: Có thể nhận thấy, hoạt động giám sát trong những năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã có những đổi mới mạnh mẽ và đưa lại hiệu quả thiết thực. Nội dung giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội được triển khai với nhiều phương thức mới, cách làm mới, thu hút sự quan tâm theo dõi đặc biệt của cử tri.

Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đổi mới toàn diện hoạt động hoạt động này là yêu cầu cần thiết khách quan của Quốc hội, làm cho bộ máy nhà nước vững mạnh hơn, các chức danh cấp cao trong bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn.

Quyền tranh luận là vấn đề mới xuất hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV. Tuy nhiên, đến khóa XV, việc tranh luận xuất hiện nhiều hơn, giúp nghị trường Quốc hội sôi nổi hơn,... Tác dụng tích cực của tranh luận đã được khẳng định. Riêng trong hoạt động chất vấn chỉ được tranh luận giữa đại biểu có chất vấn với chức danh bị chất vấn. (Khác với trong thảo luận kinh tế - xã hội, thảo luận xây dựng luật và thảo luận các dự án, đề án khác... là giữa các đại biểu có thể tranh luận với nhau). Vì vậy, cũng nên quy định cụ thể quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội trong thảo luận, trong đó có quyền tranh luận trong hoạt động chất vấn.

Tôi kỳ vọng với nỗ lực, quyết tâm đổi mới, hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng và hoạt động của Quốc hội nói chung sẽ ngày càng hiệu quả, thực chất, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Doãn Hồng Nhung!

Lê Anh