DỰ THẢO LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI): CẦN CÓ QUY ĐỊNH DẪN CHIẾU ĐỂ ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

26/09/2022

Góp ý vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đặc biệt là hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hữu Hùng đề nghị cần có quy định dẫn chiếu để bảo đảm tính đồng bộ của Luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật liên quan; nhấn mạnh những quy định cần tuân thủ trong việc thu thập và bảo vệ thông tin cá nhân và quy định rõ những nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thu thập, quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu.

Việc ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là cần thiết

Góp ý vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, giao dịch điện tử được thiết lập như một biểu hiện tất yếu trong xã hội. Cho đến thời điểm hiện nay, sự hiện diện của giao dịch điện tử trên nhiều lĩnh vực: hành chính công, thương mại, lao động.... Mỗi nhóm giao dịch điện tử sẽ có những ưu điểm riêng trong lĩnh vực triển khai song nhìn chung, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, việc giao dịch điện tử được thiết lập sẽ có những ưu điểm hơn so với giao dịch truyền thống là tiết kiệm thời gian, chi phí; không bị trở ngại bởi không gian địa lý, mọi thao tác đều được lưu trữ trên hệ thống thiết lập giao dịch điện tử.

Để ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội và giao dịch điện tử, thực tế đòi hỏi phải rất đồng bộ về chính sách – pháp luật, khoa học công nghê, tiềm lực vật chất và con người. Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, đối với lĩnh vực Giao dịch điện tử, Luật Giao dịch điện tử 2005, được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Từ khi có Luật Giao dịch điện tử, Chính phủ ban hành hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 05 năm 2013 về thương mại điện tử; Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử; Chính phủ ban hành Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, đang chuẩn bị ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử….

Tuy vậy, những vướng mắc, hạn chế (6 nội dung lớn) trong thực hiện Luật Giao dịch điện tử là những vấn đề cần thiết phải nghiên cứu để có những quy định cụ thể trong Luật này. Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng nhận thấy, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế - xã hội, môi trường; phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế. Vì vậy việc ban hành Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là cần thiết, có đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Dự thảo Luật bổ sung chương mới về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử

Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hữu Hùng

Theo nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh, đây là chương mới được bổ sung, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử, thực tế đã có những văn bản dưới luật quy định như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử, nhưng chỉ là những quy định trong những lĩnh vực cụ thể, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Từ tên chương Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, thì cần phải quy định tất cả những nội dung liên quan đến “hệ thống thông tin”. Tuy nhiên, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, có nhiều nội dung về hệ thống thông tin đã được quy định trong các luật nhu Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật CCCD, Luật Hộ tịch… dưới từng góc độ khác nhau cũng đã đề cập, Luật này có thể không cần nhắc lại, nhưng có thể dẫn chiếu sang các luật đó vừa tránh chồng chéo, mâu thuẫn, vừa bảo đảm tính đồng bộ.

Bên cạnh đó, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng nhận thấy, với chương này, dự thảo Luật dự định quy định 6 nội dung lớn, những nội dung này được tích hợp với các quy định khác của hệ thống pháp luật sẽ tạo ra khung pháp lý đồng bộ cho “Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử”. Tuy nhiên, chương này có những nội dung chưa cụ thể, có những nội dung thuộc chương này thì được bố trí ở chương khác, đề nghị phải bổ sung và sắp xếp lại.

Do tính chất quan trọng của cơ sở dữ liệu, một thành phần quan trọng của hệ thống thông tin, để khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và quản lý các cơ sở dữ liệu này, trong dự thảo Luật, tại chương V - Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, đã giành phần lớn số điều quy định chung về cơ sở dữ liệu (4/7 Điều: 41, 42, 43, 44), trong khi đó những nội dung giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước lại được quy định rất ít, chưa có quy chế pháp lý cho từng loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, vắng bóng những quy định giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, những quy định trong sử dụng cổng dịch vụ công…. Do đó, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng đề nghị những nội dung giao dịch mới là những quy định của chương V, còn về xây dựng cơ sở dữ liệu, nên chuyển về chương VI - Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Đồng thời đề nghị cần có quy định dẫn chiếu cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ của Luật; nhấn mạnh những quy định cần tuân thủ trong việc thu thập và bảo vệ thông tin cá nhân và quy định rõ những nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thu thập, quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu.

Cho rằng vấn đề nền tảng số là vấn đề quan trọng, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng đề nghị cần nghiên cứu để quy định một số nguyên tắc để phát triển hệ thống thông tin nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử. Trong Luật này mới chỉ nêu ra các định nghĩa mà chưa đưa ra những yêu cầu để phát triển hệ thống thông tin này. Có thể thấy, các nền tảng số quốc gia được ưu tiên tập trung phát triển trong giai đoạn hiện nay là nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội trong đó có nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử; nền nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử… Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan điều phối chung phát triển các nền tảng số quốc gia. Doanh nghiệp nòng cốt phát triển nền tảng số quốc gia là doanh nghiệp Việt Nam bảo đảm nguyên tắc phát triển “các nền tảng số quốc gia thân thiện, phổ dụng, dùng chung, có khả năng kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, hoạt động đồng bộ”, tránh việc triển khai phân tán, rời rạc, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp chuyển đổi số khác nhau. 

Nhận thấy vấn đề này đáng ra quy định trong Luật Công nghệ thông tin, nhưng ở đó chưa quy định, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng đề nghị có thể đưa vào một số nội dung quy định về nền tảng số phù hợp với Luật Giao dịch điện tử (sừa đổi) lần này.

Do có nhiều nội dung cần quy định chi tiết, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng đề nghị Khoản 2 của Điều 47 giao Chính phủ quy định đối với các nhóm hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử để có thể kịp thời điều chỉnh với những phát triển của khoa học công nghệ là phù hợp. Tuy nhiên yêu cầu cốt lõi của hệ thống thông tin này trong việc phục vụ giao dịch điện tử là “phổ dụng, thân thiện, dùng chung, có khả năng kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, hoạt động đồng bộ, không trùng lặp”, yêu cầu đó cần được quy định để Chính phủ có căn cứ quy định chi tiết./.

Bích Ngọc