RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ KHI MỞ RỘNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TỚI TẤT CẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

22/09/2022

Đóng góp vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nhiều thành viên Ủy ban TVQH cho rằng, khi mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội, các cơ quan cần rà soát kỹ lưỡng về hệ thống, chất lượng hạ tầng công nghệ để khi áp dụng là thực hiện kịp thời và hiệu quả.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu 9 nội dung lớn cần điều chỉnh trong dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng đề cập đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Một trong những điểm mới, nội dung nổi bật của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Tuy nhiên, vấn đề này còn đang khiến một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật để đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan hữu quan cần rà soát kỹ lưỡng về hệ thống, chất lượng hạ tầng công nghệ để khi áp dụng vào thực tiễn là thực hiện được ngay và hiệu quả.


Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhất trí với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử bởi phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc Luật đi vào cuộc sống sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử, đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, tại thời điểm Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được ban hành, do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó chủ yếu là do công nghệ chưa sẵn sàng, chưa phổ biến, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn, tin cậy, nên một số loại giao dịch bị loại khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này (bao gồm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác). Việc loại trừ này làm hạn chế việc triển khai ứng dụng giao dịch điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.

Còn dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội đối với các loại giấy tờ, văn bản trên. Tuy nhiên, hệ thống công nghệ thông tin, kỹ thuật đã đáp ứng được đầy đủ chưa khi mở rộng phạm vi áp dụng sang nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thì Bộ Thông tin và Truyền thông cần rà soát kỹ lưỡng về hạ tầng công nghệ xem để có thể đảm bảo chất lượng kết nối thông suốt.

Để đảm bảo tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành, Ban soạn thảo dự án Luật cần có thêm đánh giá tác động đến đời sống xã hội khi mở rộng phạm vi điều chỉnh xem có vướng mắc gì không. Việc này là góp phần để khi Luật áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì có thể thực hiện được ngay tới tất cả các vùng miền, đối tượng. Ngoài ra, cũng là tránh trường hợp nếu khi Luật có hiệu lực mà không thực hiện trong thực tiễn thì hệ quả pháp lý và tốn kém về mặt kinh tế rất lớn.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Đóng góp ý kiến về mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, khi mở rộng phạm vi thực hiện được những giao dịch điện tử yêu cầu cần có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng mà hạ tầng công nghệ, kỹ thuật không đồng bộ thì khi áp dụng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào cuộc sống rất khó khả thi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, ở nhiều nước phát triển không mở rộng hết giao dịch điện tử ở các lĩnh vực, trong đó có vấn đề các giao dịch liên quan đất đai. Nếu mở rộng phạm vi thì mở rộng đến đâu, trong thời gian là bao nhiêu năm và phải đảm bảo tính khả thi khi Luật được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Ban soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đề cập về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử phải đảm bảo liên quan đến chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng; quản lý theo không gian thực như thế nào thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần phải tính toán, xem xét kỹ lưỡng. Đặc biệt lưu ý về hạ tầng cơ sở kỹ thuật, công nghệ có đáp ứng được khi mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Tổng quát về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật; lưu ý ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và tập trung vào nghiên cứu quy định các nguyên tắc để phát triển hệ thống thông tin nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử đảm bảo thân thiện, dùng chung, kết nối liên thông, chia xẻ dữ liệu, hoạt động đồng bộ; quy định tiêu chuẩn, cơ chế kết nối, chia sẻ của các nền tảng số, cổng thông tin, phần mềm; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số; quy định cụ thể về dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.

Bích Lan