PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT NGUYỄN TRƯỜNG GIANG: TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT QUYẾT ĐỊNH THÍ ĐIỂM ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE LÀ ĐÚNG THẨM QUYỀN

22/09/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022. Trao đổi về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết việc Chính phủ trình Quốc hội nội dung này là đúng thẩm quyền và phù hợp thực tiễn.

Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đủ điều kiện trình UBTVQH

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật

Trước đó tại phiên họp toàn thể lần thứ 8, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Nghị quyết để khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá biển số; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật; mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá.

Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bao gồm: xác định biển số ô tô thực hiện thí điểm đấu giá; giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.

Thực tế xã hội trong nhiều năm qua, rất nhiều người có nhu cầu sở hữu nhữn biển số xe theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp” theo quan điểm của từng người. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Chính phủ đã hai lần cho phép Bộ Công an tổ chức đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn vào vào 1993 và 2008. Tuy nhiên do còn nhiều ý kiến trái chiều, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện còn vướng mắc về cơ sở pháp lý. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu ngừng triển khai việc thu lệ phí cấp biển số tự chọn và đấu giá biển số.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Phóng viên: Vừa qua, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra đề xuất của Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Xin đại biểu cho biết những nội dung chính của đề xuất và quan điểm ban đầu về sự cần thiết ban hành nghị quyết này?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang: Tờ trình của Chính phủ đề xuất 5 chính sách trong đó có 4 chính sách khác với quy định của luật. Một là, chính sách về đấu giá biển số ô tô khác với quy định cấm mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của Luật Giao thông đường bộ. Hai là, chính sách về đấu giá được thực hiện trong trường hợp có một người duy nhất đăng ký tham gia và trúng đấu giá khác với quy định của Luật Đấu giá tài sản. Ba là, chính sách về quyền sở hữu biển số xe hạn chế một số quyền cụ thể của người trúng đấu giá biển số so với nội hàm của quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự. Bốn là, chính sách về sử dụng nguồn thu từ đấu giá theo hướng phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương cũng khác với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Như vậy, việc đấu giá biển số ô tô là chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, hình thức văn bản.

Việc ra xem xét ban hành Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe trong thời điểm hiện nay cũng thực sự cần thiết. Điều này thể hiện trên hai khía cạnh. Một là, đối với người dân, sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng “biển số đẹp” theo quan niệm của từng người sử dụng. Hai là, đối với Nhà nước, sẽ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá biển số, đồng thời góp phần tăng cường quản lý việc cấp và sử dụng biển số xe, đăng ký xe; ngăn ngừa hành vi trục lợi từ việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô.

Phóng viên: Hiện nay Chính phủ đang đề xuất quy định không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá. Theo đại biểu, điều này có đảm bảo được quyền của người trúng đấu giá hay không?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang: Một người có thể trúng đấu giá nhiều biến số. Nếu chúng ta cho phép chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê thì có thể dẫn đến đầu cơ, tức là tham gia đấu giá rất nhiều để sở hữu biển số sau đó bán lại. Do đây là nội dung thí điểm, đồng thời để hạn chế tình trạng đầu cơ biển số, bảo đảm công tác quản lý và tránh gây phức tạp trong việc xử lý hệ quả thí điểm đối với các biển số ô tô được cấp thông qua đấu giá thì đề xuất của Chính phủ về các quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá là hoàn toàn phù hợp. Việc đấu giá biển số phải gắn với nhu cầu thực sự của người được sở hữu, đồng thời phải đảm bảo được quản lý nhà nước đối với kho số.

Phóng viên:Phương án của Chính phủ trình hiện nay theo hướng biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký hết. Một số ý kiến băn khoăn về việc biển số màu vàng chưa được đưa ra đấu giá, đồng thời đề xuất mở rộng đối với cả xe môtô. Xin đại biểu cho biết quan điểm của Ủy ban Pháp luật về vấn đề này?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang: Theo báo cáo của Bộ Công an, nếu tính biển trắng thì lượng biển trắng rất lớn, ở đây là thí điểm, theo đề xuất là 3 năm. Tôi thiết nghĩ, chúng ta cứ thực hiện đủ 3 năm đã, sau đó tổng kết lại mà thấy phù hợp, phát huy được hiệu quả thì mở rộng ra đối với xe biển vàng – xe dịch vụ vận tải.

Đối với xe mô tô,  nhu cầu của người dân là có. Trong quá trình thảo luận cũng có ý kiến đề xuất nội dung này. Tôi cho rằng cần báo cáo đầy đủ trước Quốc hội các nội dung này.  Theo tôi, có thể mở rộng đối với xe mô tô nhưng không nên mở rộng trên toàn quốc mà thí điểm ở một số địa bàn nhất định như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa bàn người dân sở hữu xe mô tô nhiều nhất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bảo Yến