TỶ LỆ GIẢI QUYẾT ÁN HÌNH SỰ, VỤ VIỆC DÂN SỰ CHƯA ĐẠT CHỈ TIÊU CỦA QUỐC HỘI

22/09/2022

Đánh giá về báo cáo công tác của ngành Tòa án 8 tháng đầu năm 2022 tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, tỷ lệ giải quyết vụ việc dân sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội, còn một số vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn một số trường hợp thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ dẫn tới bản án, quyết định bị hủy, sửa.

 

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo công tác của ngành Tòa án, trong 8 tháng đầu năm 2022, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục được đảm bảo. Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022, các Tòa án đã giải quyết 71,07% số vụ việc đã thụ lý; số vụ việc đã thụ lý tăng 3.305 vụ việc, đã giải quyết tăng 1.972 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,88%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra. Việc thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện tích cực, hiệu quả. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án kèm theo hướng dẫn quy trình, biểu mẫu hòa giải, đối thoại; xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Các Tòa án đã chủ động bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp điều kiện của đơn vị.

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực tham gia xây dựng thể chế; chất lượng xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật được nâng cao. Cụ thể, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, xây dựng, trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 02 Nghị quyết. Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng 03 Thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 01 Thông tư liên tịch. Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 09 án lệ. Trong 10 tháng qua, có 53 bản án của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ

Về việc thực hiện các Đề án về nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến 2045, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo sự phân công của Ban chỉ đạo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đề án “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên”; tích cực phối hợp với Bộ, ngành hữu quan trong nghiên cứu Đề án “Nghiên cứu, đề xuất định hướng mở rộng nguồn để bổ nhiệm các chức danh tư pháp” do Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng.

Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng; tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Tổ chức tốt các khóa đào tạo các chức danh tư pháp; thường xuyên quan tâm cử công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài, tăng cường bồi dưỡng cho các Hội thẩm nhân dân. Công tác tuyển sinh đại học được thực hiện đúng quy định, hiện đang tổ chức đào tạo cho bốn khóa đại học với hơn 1.100 sinh viên.

Công tác hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường. Tích cực tham dự các hội nghị quốc tế, các khóa đào tạo do nước ngoài tổ chức nhằm tham khảo kinh nghiệm nước ngoài. Thực hiện kịp thời, hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế. Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh; tập trung vào việc thực hiện tốt mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc theo hướng đơn giản hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến, các phần mềm nội bộ dùng chung và các dịch vụ công tư pháp cho các Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng và triển khai sử dụng phần mềm Trợ lý ảo giúp các Thẩm phán tiết kiệm được thời gian trong việc tra cứu các văn bản pháp luật, các án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự trong quá trình giải quyết vụ án cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, năm 2022, Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao. Về cơ bản, các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Mặc dù số lượng án thụ lý tăng, song số vụ án đã xét xử tăng 3,79% (đạt 85,2%). Hình phạt được áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh; việc quyết định về án treo, cải tạo không giam giữ cơ bản chặt chẽ. Tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm thực chất; đã tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm. Tỷ lệ án bị hủy (0,51%) và sửa (0,21%) do nguyên nhân chủ quan, đạt chỉ tiêu của Quốc hội. Số vụ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được Viện Kiểm sát chấp nhận đạt cao. Đặc biệt là chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, tỷ lệ giải quyết án hình sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 88%). Vẫn còn một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án; áp dụng chưa chính xác tội danh, khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; một số trường hợp áp dụng án treo không đúng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tham gia thảo luận

Đối với công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, nhiều ý kiến đánh giá công tác giải quyết các vụ việc dân sự đạt kết quả đáng ghi nhận. Số lượng thụ lý tăng (tăng 9.018 vụ) và kết quả giải quyết (tăng 5.312 vụ); chất lượng giải quyết án được nâng lên, nhất là án kinh doanh - thương mại. Đã hạn chế đến mức thấp việc để án quá hạn luật định. Tỷ lệ hòa giải thành đạt cao (53%); đã tổ chức được nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm. Tỷ lệ án bị hủy (0,37%) và sửa (0,49%) do nguyên nhân chủ quan, đáp ứng yêu cầu Quốc hội giao. Đã khắc phục cơ bản việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành.

Có một số ý kiến chỉ ra rằng, công tác này còn một số tồn tại, bất cập như:  tỷ lệ giải quyết vụ việc dân sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội (trên 78%); còn một số vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn một số trường hợp thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ dẫn tới bản án, quyết định bị hủy, sửa. Còn một số trường hợp vi phạm về thời hạn chuyển giao văn bản tố tụng, trả lại đơn khởi kiện…

Ngoài ra, trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, các đại biểu đánh giá các Tòa án đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết án hành chính; tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội (trên 60%). Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt yêu cầu của Quốc hội.

Hồ Hương

Các bài viết khác