UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NÊU 9 NỘI DUNG LỚN CẦN ĐIỀU CHỈNH TRONG DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

19/09/2022

Cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tại Phiên họp pháp luật tháng 9/2022 diễn ra sáng ngày 19/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cần có thêm đánh giá tác động xã hội để có thể triển khai Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) một cách hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi)

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.


Toàn cảnh Phiên họp pháp luật tháng 9/2022, cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường  được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) (dự án Luật). Để phục vụ việc thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức các đợt khảo sát, hội thảo, tọa đàm tham vấn các chuyên gia, nhà quản lý; lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan về nội dung của dự án Luật; đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm tra.

Ngày 09/9/2022, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật theo Tờ trình số 267/TTr-CP ngày 09/8/2022 của Chính phủ kèm theo dự thảo Luật và các tài liệu liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã tham dự và chỉ đạo Phiên họp. Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật (Bộ Thông tin và Truyền thông), đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dự thảo Luật gồm 8 chương, 56 điều đã có sự kế thừa các quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và được bố cục tương đối hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định pháp luật về giao dịch điện tử trong Chương I (Những quy định chung). Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong từng lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại Điều 7 (Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử).


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Về cách thức thực hiện từng loại hình giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cjp rằng, cần bổ sung quy định giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sử dụng cổng dịch vụ công; quy định về việc cấp phép sử dụng và cấp quyền tương ứng cho dữ liệu mở; quy định thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước; quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thu thập, quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu; quy định dẫn chiếu cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ của dự thảo Luật trong Chương V (Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước). Cơ sở dữ liệu hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia trong đó tích hợp các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, lĩnh vực trên cơ sở tách khoản 4 Điều 41 của dự thảo Luật để xây dựng một số điều cụ thể hoặc một chương riêng về cơ sở dữ liệu quốc gia.

Các loại hình giao dịch điện tử như: giao dịch điện tử trong cơ quan hành chính và dịch vụ hành chính công; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thương mại điện tử; giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; giao dịch điện tử xuyên biên giới và xây dựng một chương riêng về các nội dung này. Nền tảng số, một số nguyên tắc để phát triển hệ thống thông tin nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, bảo đảm phát triển các nền tảng số quốc gia thân thiện, dùng chung, có khả năng kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, hoạt động đồng bộ, tránh việc triển khai phân tán, rời rạc, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp chuyển đổi số khác nhau, bởi vì nền tảng số là vấn đề quan trọng, được xem là điểm mấu chốt để vừa phát triển kinh tế số, xã hội số, vừa bảo đảm chủ quyền số quốc gia.

Cần có sự đánh giá tác động về việc mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử

Thảo luận tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và tập trung cho ý kiến các nội dung: Mở rộng phạm vi điều chỉnh, áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội; sự tương thích của dự án Luật với các đạo luật khác...

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhất trí với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử bởi phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc Luật đi vào cuộc sống sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.


Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, tại thời điểm Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được ban hành, do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó chủ yếu là do công nghệ chưa sẵn sàng, chưa phổ biến, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn, tin cậy, nên một số loại giao dịch bị loại khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này (bao gồm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác). Việc loại trừ này làm hạn chế việc triển khai ứng dụng giao dịch điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.

Còn dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội đối với các loại giấy tờ, văn bản trên. Để đảm bảo tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành, Ban soạn thảo dự án Luật cần có thêm đánh giá tác động đến đời sống xã hội khi mở rộng phạm vi điều chỉnh xem có vướng mắc gì không. Việc này là góp phần để khi Luật áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì có thể thực hiện được ngay tới tất cả các vùng miền, đối tượng. Ngoài ra, cũng là tránh trường hợp nếu khi Luật có hiệu lực mà không thực hiện trong thực tiễn thì hệ quả pháp lý và tốn kém về mặt kinh tế rất lớn.

Đóng góp ý kiến về mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, khi mở rộng phạm vi thực hiện được những giao dịch điện tử yêu cầu cần có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng mà hạ tầng công nghệ, kỹ thuật không đồng bộ thì khi áp dụng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào cuộc sống rất khó khả thi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, ở nhiều nước phát triển không mở rộng hết giao dịch điện tử hết ở các lĩnh vực, trong đó có vấn đề các giao dịch liên quan đất đai. Nếu mở rộng phạm vi thì mở rộng đến đâu, trong thời gian là bao nhiêu năm và phải đảm bảo tính khả thi khi Luật được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Ban soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Chính phủ, cơ quan thẩm tra đã rất công phu trong việc biên soạn, thẩm định dự án Luật. Vì vậy, dự án Luật đủ điều kiện để tình Quốc hội xem xét, cho ý trong Kỳ họp tới. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần đề cập rõ hơn về mục đích, quan điểm, sự cần thiết của việc ban hành dự án Luật cũng như cụ thể hóa Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mặt khác, nhằm đảm bảo chất lượng tốt hơn cho dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), cơ quan soạn thảo dự án Luật cần làm rõ hơn về các quy định quốc tế và việc Việt Nam đã học hỏi, tiếp thu được những gì từ các nước trên thế giới. Xu hướng của giao dịch điện tử như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử phải đảm bảo liên quan đến chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng; quản lý theo không gian thực như thế nào thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần phải tính toán, xem xét kỹ lưỡng. Đặc biệt lưu ý về hạ tầng cơ sở kỹ thuật, công nghệ có đáp ứng được khi mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Mặt khác, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng phải đảm bảo an toàn thông tin, quyền công dân, bí mật riêng tư cho người dân. Người dân không muốn công khai thông tin thì phải đảm bảo an toàn cho họ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử không nên tạo thêm quy trình công đoạn, thủ tục phát sinh, điều kiện bắt buộc cho người dân. Chính sách thực hiện Luật cũng cần rõ ràng. Ngoài ra, trong dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) còn một số thuật ngữ chưa rõ nghĩa, do đó, Ban soạn thảo cần giải thích từ ngữ, sử dụng các thuật ngữ ở trong dự án Luật một cách rõ ràng, dễ hiểu, mang tính phổ thông.

Để tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các luật khác, Ban soạn thảo nên có thống kê, phân tích về việc sửa đổi luật thì phải thay đổi các luật khác như thế nào. Các giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, trong một số lĩnh vực khác như dịch vụ công, tài chính ngân hàng cần thiết có quy định chung, quy định riêng.


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Với những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã làm rõ một số nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin cho người dân...

Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao và bày tỏ sự tiếp thu những ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp tới.

Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đóng góp ý kiến vào các nội dung: Đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, bí mật thông tin của các cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch điện tử; tránh phát sinh thêm thủ tục phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch điện tử...

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật; lưu ý ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Tiếp tục rà soát thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng nhất là Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị, Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 để hoàn thiện dự thảo Luật, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Iternet và không gian mạng; ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên không gian mạng; thực hiện tốt việc quản lý dữ liệu, định danh số, xác thực điện tử quốc gia, thiết lập khung danh tính số quốc gia.

Thứ hai: Bổ sung đánh giá bối cảnh thực tế, những vấn đề mới, những yêu cầu để phát triển xã hội số, kinh tế số, bảo đảm an ninh, quốc phòng, dự thảo đầy đủ các văn bản hướng dẫn Luật; hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động, làm rõ những nội dung của Luật hiện hành còn phù hợp, cần kế thừa, đánh giá kỹ tác động về kinh tế - xã hội đối với từng chính sách, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thông lệ tốt của quốc tế, các nguyên tắc trong Luật mẫu về thương mại điện tử năm 1996 để hoàn thiện Luật phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, sát với thực tiễn của đất nước, không trái với các Hiệp định Việt Nam đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp.

Thứ ba: Rà soát để bảo đảm nguyên tắc thống nhất xuyên suốt là Luật Giao dịch điện tử chỉ quy định để đảm bảo các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý, thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ giao dịch điện tử, tạo thành tố để chuyển môi trường thực sang môi trường số, không quy định lại nội dung pháp luật khác quy định; không làm thay đổi trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong các lĩnh vực; không quy định nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch điện tử; Bộ Thông tin và truyền thông chỉ quản lý các nội dung mang tính công nghệ, kỹ thuật của giao dịch điện tử còn nội dung giao dịch, tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch điện tử thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai; môi trường số tạo lập theo quy định của Luật phải phong phú hơn môi trường thực, thời gian nhanh hơn, không phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

Thứ tư: Rà soát bố cục dự thảo luật, thiết kế các chương, điều khoản chặt chẽ, khoa học, không mâu thuẫn giữa các điều khoản trong Luật; rà soát quy định về giải thích từ ngữ, các khái niệm, văn phong để chỉnh sửa hoặc bổ sung đảm bảo đầy đủ, rõ ràng, chính xác, ngôn ngữ trong sáng, đơn giản, dễ hiểu;

Thứ năm: Rà soát lại phạm vi, đối tượng điều chỉnh để đảm bảo các giao dịch điện tử thể hiện được đầy đủ ý chí, quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia, bảo mật thông tin cá nhân theo Hiến pháp, tính toán đến các điều kiện áp dụng đối với các lĩnh vực đặc thù để nếu cần thiết có lộ trình thực hiện bảo đảm khả thi.

Thứ sáu: Sửa đổi, bổ sung theo ý kiến của Thường vụ và cơ quan thẩm tra đối với quy định về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử, thu thập, quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong từng lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quản lý; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sử dụng cổng dịch vụ công; cấp phép sử dụng và cấp quyền tương ứng cho dữ liệu mở; xây dựng, phát triển, tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu mở của cơ quan quản lý nhà nước; quy định cụ thể từng loại hình giao dịch điện tử (trong cơ quan hành chính và dịch vụ hành chính công; trong lĩnh vực thương mại điện tử; trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; giao dịch điện tử xuyên biên giới.

Thứ bảy: Nghiên cứu quy định các nguyên tắc để phát triển hệ thống thông tin nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử đảm bảo thân thiện, dùng chung, kết nối liên thông, chia xẻ dữ liệu, hoạt động đồng bộ; quy định tiêu chuẩn, cơ chế kết nối, chia sẻ của các nền tảng số, cổng thông tin, phần mềm; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số; quy định cụ thể về dữ liệu mở của cơ quan nhà nước.

Thứ tám: Hoàn thiện các quy định về chứng từ điện tử, chữ ký điện tử để bao quát thực tiễn phát sinh, bảo đảm thuận lợi trong triển khai nhưng tiết kiệm chi phí, cụ thể các điều kiện để bảo đảm giá trị của chứng từ điện tử, chữ ký điện tử và quyền của chủ sở hữu; hoàn thiện các quy định về dịch vụ tin cậy; các quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử để bảo đảm chặt chẽ, khả thi; quy định cụ thể các giai đoạn giao kết hợp đồng điện tử; hiệu lực, thời điểm có hiệu lực và điều kiện để hợp đồng điện tử có hiệu lực; các trường hợp xác định hợp đồng điện tử vô hiệu; các loại hợp đồng điện tử mẫu trong các trường hợp giao dịch khác nhau; hoạt động chứng thực giao dịch và hợp đồng điện tử.

Thứ chín: Rà soát để bảo đảm đồng bộ thống nhất với các Luật khác, quy định để dẫn chiếu, kết nối với các luật liên quan; sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thống nhất giữa Luật Giao dịch điện tử và các Luật khác như pháp luật về tố tụng, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai...; cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhất là luật hóa các quy định trong các nghị định đã áp dụng hiệu quả thời gian qua, bảo đảm hiệu lực thi hành ngay của Luật. rà soát qui định áp dụng Luật, điều khoản thi hành để bảo đảm khả thi, tránh vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:


Toàn cảnh Phiên họp pháp luật tháng 9/2022, cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).




Các đại biểu tham dự Phiên họp.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị khi mở rộng phạm vi thực hiện được những giao dịch điện tử yêu cầu cần có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. 


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Ban soạn thảo nên có thống kê, phân tích về việc sửa đổi luật thì phải thay đổi các luật khác như thế nào.


Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề cập về mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, cần làm rõ việc phương thức giao dịch điện tử ở trong Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật khác.


Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề cập về đảm bảo an ninh mạng, giao dịch điện tử xuyên biên giới.

Bích Lan-Nghĩa Đức