BẢO ĐẢM LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ PHÙ HỢP VỚI CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG

28/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm sự phù hợp với Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng.

 

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về điều kiện chung đối với giống cây trồng được bảo hộ, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “giống cây trồng mới chưa được công nhận” vào sau cụm từ “Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo…”; bổ sung cụm từ “người phát hiện, phát triển giống cây trồng mới” vào trước cụm từ “tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng (UPOV), bảo hộ giống cây trồng được thực hiện độc lập với việc công nhận giống. Điều kiện để một giống cây trồng được bảo hộ khác với điều kiện để xem xét giống đó có được công nhận hay không. Cụm từ “được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển...” đã bao hàm ý giống cây trồng được người phát hiện và phát triển nên không cần thiết phải bổ sung cụm từ đó, tránh bị lặp lại nội dung. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nội dung này như trong dự thảo Luật.

Về tính mới của giống cây trồng, có ý kiến đề nghị giữ nội dung này như quy định của Luật hiện hành vì cho rằng quy định của dự thảo Luật chưa tương thích với Điều 6 của Công ước UPOV. Theo đó, điều kiện để xác định tính mới của giống cây trồng không bao gồm điều kiện được bổ sung là “hoặc chưa được công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành tại Việt Nam”. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong thực tiễn triển khai quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có khó khăn, vướng mắc khi xác định tính mới của giống cây trồng khi người đăng ký bảo hộ không trung thực trong việc kê khai điều kiện “Vật liệu nhân giống, sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc này cần được khắc phục bằng các giải pháp về nâng cao chất lượng xử lý đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng (trong việc thẩm định đơn, công bố đơn, xem xét ý kiến của người thứ ba về đơn...), xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân có hành vi trái pháp luật trong đăng ký bảo hộ giống cây trồng... Việc bổ sung tiêu chí như dự thảo Luật do Chính phủ trình có thể thuận lợi hơn cho cơ quan nhà nước trong kiểm soát tính mới của giống cây trồng, nhưng chưa bảo đảm tương thích với Công ước UPOV, hơn nữa còn có nguy cơ tạo ra xung đột pháp luật giữa việc áp dụng tiêu chí chưa được công nhận theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; chưa được công nhận lưu hành, tự công bố lưu hành theo quy định của pháp luật về trồng trọt và tiêu chí chưa được bán hoặc phân phối nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và giữ nội dung này như quy định của Luật hiện hành, chỉ thay cụm từ “cây nho” bằng “cây leo thân gỗ” cho đầy đủ và bao quát.

Về hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng, có ý kiến đề nghị xem xét lại sự cần thiết sửa đổi Điều 190 của Luật Sở hữu trí tuệ trong dự thảo Luật do Chính phủ trình; đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của quy định này đối với người nông dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, bên cạnh khu vực sản xuất quy mô lớn về cây trồng ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, vẫn còn nhiều diện tích canh tác thuộc khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành sản xuất quy mô lớn, tập trung. Do vậy, việc quy định giới hạn nông dân giữ giống cây trồng chưa được tổng kết, đánh giá tác động kỹ lưỡng trên phạm vi, quy mô cả nước, có thể ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh lương thực, đời sống nông dân, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nội dung này như Luật hiện hành.

Ngoài ra, về nghĩa vụ của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định mức trả thù lao cho tác giả tại điểm c khoản 1 Điều 191 thuộc trường hợp chủ sở hữu chuyển nhượng quyền sở hữu giống cây trồng nên tỷ lệ trả thù lao cho tác giả phải cao hơn so với việc chuyển giao quyền sử dụng. Đối với giống cây trồng được chuyển giao quyền sử dụng, tác giả được nhận thù lao qua mỗi hợp đồng chuyển giao (nhận tiền nhiều lần); với trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu giống cây trồng, tác giả chỉ được nhận thù lao một lần chuyển nhượng đầu tiên đối với giống cây trồng đó nên quy định mức thù lao tác giả nhận được cao hơn mức thù lao từ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng là hợp lý. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nội dung này như dự thảo Luật.

Minh Hùng