Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội
Tham dự có: Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia Kittisethabindit Cheam Yeap; các nghị sĩ đại diện cho 8 Nghị viện thành viên AIPA; Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân và Ban Thư ký AIPA; đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương; các quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy (ASOD) và cơ quan quốc gia về đấu tranh phòng, chống ma túy của Campuchia (NACD). Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm và Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung.
Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự và Chương trình làm việc; đồng thời nghe Báo cáo của Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm; Báo cáo của ASEAN về ma túy; Báo cáo của các quốc gia thành viên AIPA.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến, đại diện Đoàn Việt Nam cho biết về kết quả công tác phòng, chống tội phạm ma tuý và công tác cai nghiện ma túy.
Báo cáo tại Hội nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cho biết, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy trái phép trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là tình hình sản xuất ma túy tổng hợp tại khu vực Tam giác vàng đang gia tăng. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển ma túy với số lượng lớn và là thị trường tiêu thụ của ma túy, việc xuất hiện nhiều loại ma túy mới, việc buôn bán, vận chuyển, sản xuất ma túy tổng hợp gia tăng; người sử dụng và người nghiện ma túy tổng hợp tăng nhanh, nhất là trong thanh, thiếu niên và học sinh gây bức xúc trong xã hội.
Đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, với sự chuyển biến tích cực của kinh tế, xã hội thì Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ mặt trái của hội nhập và sự phát triển của kinh tế thị trường. Đây là nguyên nhân góp phần làm cho tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy cũng như tệ nạn xã hội khác liên quan đến ma túy tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát các hoạt động trở lại bình thường thì tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý sẽ diễn biến hết sức phức tạp tại các quốc gia và trong khu vực. Đó là: (i) Thực hiện chính sách giãn cách xã hội khiến việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng ma tuý khó khăn, dẫn đến tích trữ lượng ma tuý lớn, nguồn cung ma túy dư thừa sau đại dịch; (ii) Việc khôi phục lại các hoạt động giao thương kinh tế, du lịch… thông qua khôi phục các đường hàng không quốc tế, đường biển, đường bộ, đường bưu điện, đường hàng không nội địa đã khiến tình hình mua bán ma túy sôi động trở lại và tình hình kiểm soát việc mua bán gặp nhiều khó khăn; (iii) Tội phạm buôn bán ma túy tăng cường sử dụng công nghệ cao, gây khó khăn cho công tác kiểm soát ma tuý của lực lượng chức năng của các quốc gia; iv) Suy thoái kinh tế thời kỳ hậu dịch COVID-19 có thể khiến các tổ chức tội phạm tăng cường buôn bán ma túy để thu lợi và bù đắp những thiếu hụt trong giai đoạn các nước tăng cường phòng, chống dịch; v) Việc tăng cường và ưu tiên đầu tư nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới nguồn lực dành cho phòng, chống ma túy của các quốc gia.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm
Đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam nêu rõ, nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy đối với việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này nói chung và Luật Phòng, chống ma túy nói riêng, cụ thể: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; các quy định pháp luật khác có liên quan đến cai nghiện ma túy,…
Bên cạnh đó, trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành: Công văn số 332/LĐTBXH-PCTNXH ngày 16/02/2022 về việc triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; Công văn số 1827/LĐTBXH-PCTNXH ngày 02/6/2022 về việc triển khai thực hiện Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phù về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện và cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Quyết định số 470/QĐ-LĐTBXH ngày 03/6/2022 về việc công bố các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội…
Đồng thời, các địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đặc thù tệ nạn ma túy của địa phương mình.
Đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam khẳng định, về cơ bản, các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy đã đáp ứng được với tình hình thực tiễn, góp phần đẩy mạnh đấu tranh tội phạm và nâng cao hiệu quả điều trị, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người cai nghiện trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, điều trị, cai nghiện ma túy tại địa phương cũng như trong quá trình tham gia cai nghiện ma túy… Tuy nhiên, với sự thay đổi liên tục trong thực tiễn, đặc biệt dưới tác động của đại dịch COVID-19 và nguồn lực còn hạn chế nên công tác này vẫn còn gặp khó khăn.
Liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam cho biết, xác định công tác thông tin, tuyên truyền là một trong những công tác quan trọng trong việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp hiệu quả để thực hiện công tác này, cụ thể như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy tại các bộ, ban, ngành và địa phương; Tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trên các tuyến biên giới; Phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí xây dựng phóng sự về công tác cai nghiện ma túy và đưa nhiều tin bài tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện;…
Ngoài ra, còn tổ chức các Hội nghị tập huấn cho 63 tỉnh, thành phố, hướng dẫn triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn liên quan về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; Tổ chức triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022.
Đối với công tác chỉ đạo, điều hành, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành giám sát, khảo sát về việc thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống ma túy, đặc biệt là việc triển khai Luật Phòng, chống ma túy tại các địa phương; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt việc triển khai Luật Phòng, chống ma túy./.