NGHIÊN CỨU, BỔ SUNG ĐẦY ĐỦ CHẾ ĐỊNH THÀNH LẬP, GIẢI THỂ, SÁP NHẬP, PHÂN CHIA VÀ ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

28/06/2022

Hệ thống pháp luật quản lý nhà nước về địa giới hành chính chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhiều vấn đề chưa được quy định như: các nguyên tắc trong phân chia, cắm mốc địa giới hành chính, các nội dung quản lý nhà nước về địa giới hành chính, xử lý trong trường hợp vi phạm mốc giới, ranh giới hành chính…

Quy phạm pháp luật điều chỉnh về địa giới hành chính còn rải rác trong nhiều văn bản 

Thực tiễn ở nước ta thời gian qua cho thấy, các quy định về thành lập đơn vị hành chính vừa phức tạp, chưa đầy đủ và chậm được bỏ sung, sửa đổi. Một số văn bản ban hành từ trước đổi mới đến nay đã lạc hậu, dẫn đến sự gia tăng mạnh số lượng đơn vị hành chính các cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/08/2007 của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã đặt ra nhiệm vụ: “Khẩn trương xây dựng và đưa vào thực hiện quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp, trên cơ sở đó ổn định cơ bản các đơn vị hành chính ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã”. Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XI về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đặt ra yêu cầu “sớm hoàn thành quy hoạch để bảo đảm cơ bản giữ ổn định số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã”. Hiến pháp năm 2013 cũng có những quy định mới về trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị hành chính.

Thực hiện chủ trương của Đảng và để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015 có một chương quy định về tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ. Trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển ổn định của địa phương và sự quản lý thống nhất của nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp với các bộ, cơ uan Trung ương và địa phương đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 phê duyệt Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính, tạo thuận lợi để chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII (Ảnh tư liệu)

Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định 03 nhóm nguyên tắc cơ bản trong việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tại Điều 128. Các quy định này vừa mgang tính nguyên tắc định hướng, vừa mang tính chất là điều kiện pháp lý để xác định sự cần thiết khi xây dựng đề án xác lập, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp, góp phần tích cực trong việc hạn chế tình trạng chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, các quy định của luật chưa tạo ra được khung pháp lý cần thiết để định hình các hoạt động xác định địa giới hành chính nói chung và dưới cấp tỉnh nói riêng. Đặc biệt, các nguyên tắc này chưa được cụ thể hóa bởi các quy định về quy trình, thủ tục và tiêu chí cho từng hoạt động xác lập, điều chỉnh địa giới hành chính.

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, cần thống nhất sử dụng khái niệm về địa giới hành chính hay địa giới đơn vị hành chính. Việc xác định rõ nội hàm khái niệm nhằm đảm bảo tính thống nhất. Do đó, cần nghiên cứu, quy định rõ nội  hàm khái niệm này trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xác lập đơn vị hành chính.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

“Hoàn thiện pháp luật về xác lập, điều chỉnh  địa giới hành chính các cấp chính quyền địa phương để thực thi toàn diện hơn nữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc này cần phải tính đến các yếu tố được đổi mới về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, giảm bớt thủ tục xây dựng ở các cấp chính quyền, đồng thời thể hiện rõ nét hơn sự tham gia của người dân thông qua các quy định về lấy ý kiến nhân dân là cử tri về đề án xác lập, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh.”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.

 Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng cần nghiên cứu, bổ sung đầy đủ chế định có liên quan đến thành lập, giải thể, sáp nhập, phân chia đơn vị hành chính và điều chỉnh địa gới hành chính đối với đơn vị hành chính các cấp. Cần làm rõ hơn về vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đô thị; hạn chế thấp nhất việc Quốc hội phải ban hành nhiều nghị quyết đặc thù cho chính quyền đô thị hiện nay, tạo ra sự không thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý địa giới hành chính.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng 

Ở khía cạnh khác, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp địa giới hành chính hiện nay còn khá rời rạc với nhiều quy định đã tồn tại lâu đời, nhiều quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, pháp điển hóa pháp luật quản lý địa giới hành chính, nhất là rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng một hệ thống quy định chặt chẽ, đầy đủ về giải quyết tranh chấp địa giưới hành chính các cấp là một nhu cầu hết sức cấp thiết, cần phải được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay./.

Lê Anh