CẦN THIẾT ÁP DỤNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỚI DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 3 TP.HỒ CHÍ MINH

14/06/2022

Thẩm tra Dự án đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 3, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc sớm hoàn thành Dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng, do đó, việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án là cần thiết.

 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết so 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và nguồn lực đầu tư hạn chế nên mới hoàn thành đưa vào khai thác được 1.074 km và đang tiếp tục xây dựng 916 km, dự kiến đến năm 2023 đạt khoảng 2.079 km.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, các dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh có vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện để triển khai trong giai đoạn này. Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021- 2025 là hợp lý và cần thiết. Cụ thể là, việc đầu tư hoàn thành 02 dự án này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong Vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Cụ thể, các Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng tuyến đường Vành đai liên vùng khu vực kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Tp.Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Tạo sự đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển, kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong Vùng; giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của Thủ đô Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh; phát huy hiệu quả đầu tư đối với các Dự án đang triển khai. Tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai; góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội thành và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; định hướng phát triển về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030; phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.

Thẩm tra Dự án đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự án Đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh là dự án có vai trò quan trọng đối với việc tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông đối với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc sớm hoàn thành Dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng, do đó, việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án là cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 

Về kiến nghị cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần theo cơ cấu nguồn vốn đã được phân bổ tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Ủy ban Kinh tế nhận thấy dự án thành phần đường bộ cao tốc (Đường Vành đai 3) thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, đường song hành thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, do hiện nay ngân sách trung ương còn hạn chế, phải cân đối cho nhiều dự án quan trọng khác. Trong khi, các địa phương là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, tăng nguồn thu từ khai thác quỹ đất, phát triển kinh tế... Do đó, đề xuất nêu trên là phù hợp.

Về đề nghị cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước, Hội đồng nhân dân các địa phương có thẩm quyền quyết định sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách của cấp mình; khoản 6 Điều 7 của Nghị quyết số 29/2021/QH14 quy định “các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương hằng năm”. Theo đó, căn cứ khả năng thu thực tế, địa phương có thể giao kế hoạch hằng năm từ nguồn tăng thu, tăng mức vốn đầu tư công trung hạn của địa phương. Do vậy, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất nêu trên của Chính phủ.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế nhất trí với chủ trương Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cần tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư Dự án cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi cần xác định chính xác tỷ lệ góp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với phần đường cao tốc để làm cơ sở xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư hoàn trả ngân sách. Đồng thời, đến nay cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do nhà nước đầu tư vẫn chưa được ban hành theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về thu phí để bảo đảm thực hiện thành công việc nhượng quyền thu phí của Dự án.

Minh Hùng