CẦN CÓ QUY ĐỊNH MANG TÍNH ĐẶC THÙ ĐỂ KIỂM SOÁT THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ TRONG THỰC HIỆN DÂN CHỦ TẠI DOANH NGHIỆP

14/06/2022

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp và đề nghị cần thiết phải có những quy định mang tính chất đặc thù để quản lý, kiểm soát về sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, lãng phí nếu có trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Đồng thời cần nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tránh hình thức.

Cần có những quy định mang tính chất đặc thù để kiểm soát tham nhũng, lãng phí trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp

Thảo luận tại hội trường về vấn đề còn khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự án luật, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng tình với ý kiến thứ nhất, với các lý do: Thực tế thời gian qua, việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa được như mong muốn như Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Nội vụ đã nêu, nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức Hội nghị người lao động còn thấp, đạt khoảng 64%, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn gần như không tổ chức Hội nghị người lao động theo quy định. Việc tổ chức Hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định, nhất là việc công khai tài chính các loại quỹ.

Đại biểu Trần Nhật Minh cũng chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng ý nghĩa đặc dụng của việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp nên chưa chủ động phối hợp, mà chủ yếu do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đề xuất nên việc thực hiện quy chế dân chủ còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Một số doanh nghiệp không tổ chức lấy ý kiến của đa số người lao động nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện công khai các nội dung của thỏa ước lao động tập thể nên người lao động chưa tiếp cận được với thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể còn hạn chế, nội dung có lợi hơn cho người lao động không nhiều.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2021 cả nước có 105 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chưa đồng tình với cơ chế trả lương của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chậm lương, chậm thưởng hoặc chi trả lương, thưởng chưa hợp lý. Chất lượng bữa ăn ca chưa đảm bảo hoặc tăng thời gian làm việc của người lao động mà chưa thông qua ý kiến của người lao động.

Đại biểu Trần Nhật Minh cho biết, mới đây, ngày 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân năm 2022, 1 trong 10 nhóm vấn đề lớn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp mà người lao động cả nước quan tâm kiến nghị, đề xuất có vấn đề người lao động đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động.

Từ những lý do trên, đại biểu Trần Nhật Minh kiến nghị việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức hơn nữa, cần thiết phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quyết định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp như Tờ trình Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các chế định của pháp luật lao động như đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động.

Về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ trong khu vực doanh nghiệp, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, không nhất thiết phải quy định đầy đủ những loại hình phường, xã, thị trấn hay cơ quan, đơn vị. Các quy định quyền của người lao động về dân chủ cần nghiên cứu thiết kế theo hướng hạn chế hơn, có tính khả thi, thực chất, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi hợp pháp của người lao động cần được pháp luật bảo vệ, có thể được thực hiện thông qua cơ chế dân chủ đại diện hoặc dân chủ trực tiếp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp nhà nước, đại biểu đề nghị nghiên cứu xây dựng các quy định mang tính đặc thù hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Quan tâm đến về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, nội dung Chương IV của dự thảo luật quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Đại biểu thống nhất với dự thảo và đề nghị trong dự thảo Luật có một số nội dung quy định về đặc thù đối với doanh nghiệp Nhà nước, vì doanh nghiệp Nhà nước là một tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư công của Nhà nước nên cần thiết phải có những quy định mang tính chất đặc thù để quản lý, kiểm soát về sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu có. Đại biểu Trần Quốc Quân cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định chi tiết hơn về các nội dung doanh nghiệp phải công khai liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của người lao động. Thực tế trong thời gian qua, việc công khai và thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là việc công khai các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cần nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc vấn đề cốt lõi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng tham gia đóng góp xây dựng quy chế, nhiệm vụ hoạt động, công tác của cơ quan, đơn vị, phát huy quyền làm chủ tập thể của người lao động. Tuy nhiên, trong thời gian qua, người lao động rất ngại tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, miễn sao quyền lợi của mình không bị hạn chế hoặc bị thu hẹp, không bị trù dập, được nâng lương theo kỳ. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị cần quy định rạch ròi về nội dung nhiệm vụ, quyền hạn để công chức, viên chức, người lao động thực hiện phát huy dân chủ thì luật sẽ đi vào cuộc sống và được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp, trách nhiệm của thủ trưởng phát huy quyền làm chủ tập thể của công chức, viên chức, người lao động sẽ dễ dàng, còn ngược lại thì sẽ rất khó phát huy. Đại biểu cho rằng, hàng năm có Đại hội công nhân viên chức, người lao động, có nơi, có lúc rất hình thức.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng gọi chung là doanh nghiệp, theo đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh là chưa thật sự phù hợp và chưa đủ sức thuyết phục. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm nội dung này. Mặt khác, dự thảo luật cũng quy định “doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê, mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động được gọi chung là doanh nghiệp”, theo đại biểu quy định như vậy cũng chưa hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, hợp tác xã và các tổ chức khác đã được quy định rất rõ, chính vì vậy sẽ phù hợp hơn nếu chúng ta gọi chung là “tổ chức kinh tế”. Theo đó, tổ chức kinh tế được hiểu là "được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác, thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh", theo khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020. Từ những lý do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung.

Thảo luận tại hội trường về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp quy định tại Chương IV, đại biểu Tống Văn Băng - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng cho biết, các nội dung quy định tại Chương này gồm có 4 mục từ Điều 45 đến Điều 56 quy định các quyền của người lao động trong doanh nghiệp gồm: các quyền tham gia ý kiến, người lao động quyết định, người lao động kiểm tra, người lao động giám sát và một mục về người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thực hiện, tức là nội dung này gián tiếp quy định quyền của người lao động trong doanh nghiệp.

Đại biểu Tống Văn Băng - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng

Theo đại biểu, nội dung này cần thiết được quy định trong luật, vì hai lí do sau:

Thứ nhất, đây là những quy định phù hợp với Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị năm 1966 và Công ước về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa năm 1966 với nền tảng hướng tới là bảo vệ và đảm bảo các quyền về lao động, quyền con người tốt hơn.

Đối với các quy định của trong Bộ luật Lao động chúng ta đã tham chiếu và đưa vào trong Bộ luật Lao động các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế, đặc biệt là 8 công ước cơ bản của Luật Quốc tế cũng như chúng ta đã đưa vào các nội dung liên quan đến một số các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới liên quan đến lao động ở trong nội dung này.

Thứ hai, trong thực tế pháp luật về lao động cũng quy định về nguyên tắc tại các Điều 63, 64, 92, 98, v.v. của Bộ luật Lao động. Về thực hiện dân chủ và công khai trong Bộ luật Lao động 2019 và hướng dẫn cụ thể để thực hiện là chúng ta có Nghị định 145 năm 2020. Trước đó thực hiện theo Bộ luật Lao động năm 2012 chúng ta cũng đã có Nghị định 149 năm 2018 và Nghị định 60 của 2013. Tuy nhiên, thực tiễn tại các doanh nghiệp hiện nay, việc đối thoại công khai, tôn trọng các quyền, nhất là quyền về lao động và quyền con người của người lao động đã xuất hiện rất nhiều các tranh chấp lao động tập thể.

“Trong báo cáo chung, những đơn vị, các doanh nghiệp nào mà tổ chức tốt việc đối thoại công khai thì ít xảy ra các tranh chấp lao động tập thể. Những đơn vị nào mà tổ chức công khai được các nội dung liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và công bố về thang bảng lương, các định mức về lao động và tiền lương và tiền thưởng đặc biệt trong dịp lễ Tết, v.v. giảm thiểu rất nhiều tranh chấp lao động các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua”, đại biểu Tống Văn Băng giải thích thêm,

Để hạn chế hơn nữa những cách hiểu và cách áp dụng quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là khối ngoài nhà nước, đại biểu Tống Văn Băng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thiết kế một điều luật quy định về áp dụng luật này với các luật khác liên quan để đảm bảo các nội dung trong việc dẫn chiếu cũng như áp dụng trong thực tế tốt hơn./.

Bích Ngọc