KHÔNG ĐƯỢC NGĂN CHẶN, CẢN TRỞ VIỆC PHỔ BIẾN, SỬ DỤNG QUỐC KỲ, QUỐC HUY, QUỐC CA

14/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

 

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Chính phủ đề nghị bổ sung sửa đổi khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”.

Đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được quy định tại Điều 13 của Hiến pháp năm 2013. Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng có các quy định nhằm xử lý tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế ngày càng nhiều, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao ở trong nước, nước ngoài và cả trên không gian mạng ngày càng phổ biến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa bảo đảm quyền thụ hưởng của người dân. Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với nội dung và phạm vi quy định của Điều 7 (Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản 2 Điều 7 như sau:“2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”.

Về tác giả, đồng tác giả, có ý kiến đề nghị quy định quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, đồng tác giả theo hướng “Việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản đối với các tác phẩm chung phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các đồng tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện nội dung này tại khoản 3 Điều 12a, đồng thời quy định chặt chẽ hơn theo hướng các trường hợp loại trừ chỉ khi có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, có ý kiến đề nghị chỉnh lý Điều 12a như sau: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học đã đăng ký với cơ quan Nhà nước về quyền tác giả đối với tác phẩm…” để gắn trách nhiệm của tác giả giữa việc tạo ra sản phẩm và nghĩa vụ đăng ký quyền tác giả với Nhà nước, tránh phát sinh tranh chấp đối với quyền tác giả. Giải trình vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định tại Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ: Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật Sở hữu trí tuệ. Các quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế, do đó, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.

Đối với các nội dung liên quan đến quyền nhân thân, có ý kiến đề nghị bỏ quy định về các quyền có thể chuyển nhượng được tại khoản 1 và khoản 3 Điều 19, chỉnh lý lại các điều 20, 21, 22 của Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng tôn trọng quyền nhân thân của người sáng tạo và bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự, đồng thời đề nghị xác định rõ tính chất thỏa thuận là chuyển giao quyền hay chấm dứt toàn bộ quyền nhân thân khi sửa đổi tên hoặc sửa đổi tác phẩm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Bộ luật Dân sự “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.”. Như vậy, Luật Sở hữu trí tuệ có thể quy định loại quyền nhân thân cụ thể được chuyển giao.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh xung đột giữa quyền nhân thân là quyền đặt tên tác phẩm và sự cho phép của tác giả đối với chủ thể nhận chuyển giao quyền tài sản là được sửa đổi tên tác phẩm; tránh xung đột giữa quyền nhân thân về bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và quyền tài sản trong việc làm tác phẩm phái sinh, thống nhất với Bộ luật Dân sự, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu, chỉnh lý lại khoản 1 Điều 19 theo hướng chỉ cho phép chuyển giao quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm trong một số trường hợp để thuận lợi trong việc thực hiện các quyền tài sản đối với tác phẩm, quyền nhân thân này vẫn gắn với tác giả; chỉnh lý lại khoản 2 Điều 20 theo hướng nếu làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của tác phẩm thì phải được sự đồng ý của tác giả.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 47 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành về quy định chung về chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan cho đồng bộ, thống nhất với nội dung mới được sửa đổi tại Điều 19 và Điều 20 trong dự thảo Luật.

Minh Hùng