SỬA ĐỔI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

14/06/2022

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 15/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 96 điều, giảm 07 điều so với Luật hiện hành; ít hơn 02 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, trong đó, bổ sung 01 điều , bãi bỏ 03 điều.

 

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV 

Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ với 268 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 34 lượt ý kiến và 8 ý kiến gửi bằng văn bản. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội; gửi Công văn đề nghị Ban soạn thảo phối hợp tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan có liên quan, tổ chức lấy ý kiến tại địa phương, tổ chức rà soát, chỉnh lý dự án Luật...

Đặc biệt, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, với mục tiêu nâng cao chất lượng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 ngày 28/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) với nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm,…

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, có phạm vi rất rộng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, cơ quan, đơn vị, tổ chức địa phương. Do đó, trong suốt quá trình hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, cho ý kiến vào nội dung trong tâm của dự thảo luật. Không những vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần chủ trì họp yêu cầu dự án Luật lần này phải giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện, đúng các quy định, thể thức yêu cầu khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với mục tiêu dự án Luật lần này phải là “dự án luật mẫu” của Quốc hội khóa XV.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) 

Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (sáng ngày 27/5/2022), Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) với 24 ý kiến phát biểu và 04 ý kiến tranh luận.

Liên quan đến Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” (Điều 66): Qua thảo luận đã có 14 ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 1 bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”,“Nghệ sĩ Ưu tú” đối với các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng đảm bảo không bỏ sót đối tượng, làm rõ thế nào là tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật và được công chúng yêu thích và đón nhận.

Ngoài ra, có ý kiến đồng tình với Phương án 1 nhưng đề nghị trong phần giải thích từ ngữ làm rõ khái niệm nghệ sĩ được hiểu trong Luật Thi đua khen thưởng là những đối tượng nào, nghề nào để bảo đảm sự tường minh.

Về hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (khoản 2 và khoản 3 Điều 96): Thảo luận tại hội trường, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định về thời gian 2 năm liên tục trong xét tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang vì sẽ có một số trường hợp đã cống hiến, có thành tích xứng đáng được tôn vinh, được nêu gương thanh niên xung phong nhưng không đủ điều kiện để xét khen thưởng ngay từ đầu; giảm tiêu chí thời gian tại ngũ đối tượng xét khen thưởng và đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng đối tượng thanh niên xung phong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc quy định chặt chẽ để bảo đảm ý nghĩa của hình thức khen thưởng; Có ý kiến cho rằng thời gian tại ngũ 2 năm là phù hợp, chỉ khó khăn đối với thanh niên xung phong cơ sở miền Nam thời gian 2 năm rất khó thực hiện.

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung thêm trường hợp được truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"

Đối với nội dung thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với Tổ quốc, có thời gian tại ngũ liên tục từ 02 năm trở lên”: Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quy định hồ sơ, thủ tục cho phù hợp để tạo điều kiện cho các thanh niên xung phong có cơ hội và điều kiện để nhận danh hiệu tặng và truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang vì thời gian hoạt động của thanh niên xung phong đã lâu, nhiều người đã mất, việc lưu giữ hồ sơ, nhất là hồ sơ gốc gặp nhiều khó khăn.

Về nguyên tắc khen thưởng, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị trong Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật cần quy định chặt chẽ nguyên tắc bình đẳng giới ở cả phương diện thi đua lẫn khen thưởng, đồng thời bổ sung quy định ưu tiên khen thưởng đối với lực lượng yếu thế người dân tộc thiểu số, người khuyết tật khi có cùng thành tích cùng công trạng đạt được.

Về thi đua, danh hiệu thi đua, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc bổ sung quy định chỉ là tác giả chính của sáng kiến hoặc Chủ nhiệm đề tài, đề án, công trình khoa học mới được sử dụng sáng kiến đề tài, đề án hoặc công trình khoa học để làm tiêu chí xét thi đua, có thể bổ sung vào dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành của dự thảo luật này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị cụ thể các tiêu chí, danh hiệu thi đua

Về quy định các tiêu chuẩn khen thưởng, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng tiêu chuẩn được khen thưởng đối với tập thể, tại điểm a khoản 3 các điều Điều 36 đến Điều 41, điểm d khoản 4 các điều 42 đến Điều 44, điểm b khoản 2 các điều từ Điều 45 đến Điều 47 như vậy là trùng khen, chưa phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 dự thảo luật. Bên cạnh đó, các tập thể có quy mô lớn sẽ rất khó khăn đáp ứng các tiêu chuẩn 10 năm liên tục trở lên hoặc 5 năm liên tục trở lên được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc hoặc Đơn vị quyết thắng. Đề nghị chỉnh lý lại theo hướng giữ nguyên tiêu chuẩn khen thưởng đối với tập thể tại các điều này như quy định hiện hành.

Đối với Danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (Điều 61): Qua thảo luận có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội có nghị quyết để điều chỉnh, rà soát, sửa đổi Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo hướng điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn để mở rộng đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Trước mắt, ngoài các quy định tại khoản 2 Pháp lệnh, đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định bản thân là con của liệt sĩ và có ít nhất một người con là liệt sĩ vào trường hợp được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Về hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng (Điều 84): Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định báo cáo thành tích trong hồ sơ đề nghị xét danh hiệu thi đua, khen thưởng tại Điều 84 vì đã xây dựng cơ sở dữ liệu về thi đua, khen thưởng, cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và đồng thời trong hồ sơ đề nghị xét danh hiệu thi đua và khen thưởng đã có tờ trình, biên bản bình xét và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền thì báo cáo thành tích có cần thiết hay không vẫn chưa được cơ quan trình và cơ quan thẩm tra làm rõ trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật; Có ý kiến đề nghị sửa đổi lần này cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất.

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội còn kiến nghị chỉnh sửa tên của văn bản là Luật Thi đua, khen thưởng; có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét việc khen thưởng cho doanh nghiệp và các tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, phải có quy định cụ thể trong luật….

Với quá trình tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật một cách kỹ lưỡng, cầu thị, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi ) sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua sẽ kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, đưa công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội./.

Lê Anh