ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG VỀ QUYỀN LỢI HỢP PHÁP CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA KHÁCH HÀNG

02/06/2022

Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng đã tích cực quán triệt và nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 trong toàn hệ thống, đặc biệt đẩy mạnh truyền thông để khách hàng hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng cũng như trách nhiệm trả nợ của khách hàng.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng báo cáo 

Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, về công tác tổ chức triển khai của các tổ chức tín dụng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Các tổ chức tín dụng đã tích cực quán triệt và nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 trong toàn hệ thống, cụ thể đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo, các tổ công tác xử lý nợ xấu và ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị phổ biến, hướng dẫn, tập huấn nội dung Nghị quyết số 42 cho cán bộ từ Hội sở tới các chi nhánh trong toàn hệ thống; trong đó, tổ chức tín dụng đã truyền thông đến khách hàng đang có nợ xấu theo Nghị quyết số 42 để khách hàng hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng cũng như trách nhiệm trả nợ của khách hàng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng thực hiện rà soát, đánh giá toàn bộ danh mục tín dụng trong toàn hệ thống, đánh giá thực trạng nợ, nợ xấu được xác định theo các quy định tại Nghị quyết số 42; rà soát tài sản bảo đảm và thủ tục pháp lý của các khoản nợ xấu, xây dựng danh mục các tài sản bảo đảm đáp ứng đủ các điều kiện thu giữ theo Nghị quyết số 42; rà soát, sửa đổi các quy định nội bộ liên quan, trong đó bao gồm việc xây dựng các quy trình, hướng dẫn và biểu mẫu, công văn phục vụ công tác thu giữ tài sản; Chủ động làm việc, phối hợp với Công ty quản lý tài sản (VAMC), các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương các cấp để nhận sự chỉ đạo, hỗ trợ trong quá trình xử lý nợ xấu; làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng để đề nghị nhận lại tài sản bảo đảm là vật chứng của các khoản nợ có liên quan đến các vụ án hình sự sau khi cơ quan tiến hành tố tụng hoàn tất các thủ tục xác định chứng cứ xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

Thêm vào đó, các tổ chức tín dụng cũng đã tích cực đôn đốc, yêu cầu khách hàng trả nợ; đối với khách hàng không hợp tác, chây ỳ trong việc trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm, xem xét áp dụng các biện pháp quyết liệt để xử lý nợ; tiến hành thủ tục khởi kiện khách hàng vay, làm việc với cơ quan tòa án, thi hành án, các cơ quan chức năng để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu; vận dụng linh hoạt các giải pháp hỗ trợ để xử lý tài sản bảo đảm có hiệu quả; Căn cứ thực trạng nợ xấu, khả năng thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết số 42, các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu, kế hoạch phân bổ đối với lãi dự thu đã ghi nhận của khoản nợ xấu, nghiên cứu thực hiện hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường; thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro tín dụng để phòng ngừa, kiểm soát nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng.

Toàn cảnh cuộc họp

Về công tác tổ chức triển khai thực hiện của VAMC, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, VAMC đã hoàn thành việc sửa đổi và ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nhằm phù hợp với Luật Đấu giá tài sản, Nghị quyết số 42 và Thông tư 09/2017/TT-Ngân hàng nhà nước ngày 14/8/2017 của Ngân hàng nhà nước. Về thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu, triển khai mua nợ theo giá trị thị trường, sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực thi hành, VAMC đã tập trung triển khai mua nợ theo giá trị gia tăng. Với điều kiện hành lang pháp lý thuận lợi cùng với việc tăng cường năng lực về vốn đã tạo điều kiện cho VAMC triển khai hoạt động mua nợ theo giá trị gia tăng; đồng thời, tạo tiền đề để hình thành thị trường mua bán nợ mà trong đó, VAMC là tổ chức trung tâm của thị trường.

VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng: tTriển khai lựa chọn bổ sung các tổ chức thẩm định giá đáp ứng đủ điều kiện theo quy định; xây dựng các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, đồng thời VAMC tự tổ chức bán đấu giá các khoản nợ, tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã mua; thực hiện rà soát, phân loại, đánh giá thực trạng các khoản nợ, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi và áp dụng biện pháp xử lý nợ phù hợp; tích cực tìm kiếm các đối tác mua nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ mà VAMC đang quản lý; xây dựng danh mục khoản nợ/tài sản bảo đảm có khả năng phát mại, phù hợp nhu cầu của các nhà đầu tư để giới thiệu, chào bán;

Đồng thời, VAMC đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu theo giá trị gia tăng theo cả 2 phương thức mua theo giá thị trường được quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết số 42. Để hoạt động mua nợ theo giá thị trường và xử lý nợ đạt hiệu quả cao và đảm bảo đúng quy định, VAMC đã tích cực: áp dụng tiêu chí, lựa chọn phương thức mua các khoản nợ xấu theo giá trị gia tăng; ưu tiên mua các khoản nợ có số dư nợ gốc giá trị lớn nhằm giảm thiểu chi phí theo dõi, quản lý, giám sát đối với khách hàng vay; ưu tiên chuyển các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị gia tăng; triển khai các biện pháp nhằm thu giữ tài sản bảo đảm ngay sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực để xử lý thu hồi nợ; đưa Sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động với mục tiêu VAMC trở thành trung tâm cung cấp thông tin về nợ xấu của tổ chức tín dụng và thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua, bán nợ xấu...

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, về việc phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong thu hồi, xử lý nợ xấu, VAMC đã phối hợp, hỗ trợ tổ chức tín dụng đôn đốc, thu hồi nợ đối với các khách hàng; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu bằng việc áp dụng những biện pháp mạnh như thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nhằm thu hồi nợ. VAMC trực tiếp thực hiện và phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm. Tổ chức bán đấu giá thành công nhiều khoản nợ/tài sản bảo đảm, tăng giá trị thu hồi cho các tổ chức tín dụng (trong đó có những khoản VAMC trực tiếp thực hiện bán đấu giá thay vì thuê các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, góp phần giảm chi phí, tăng số tiền thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng). Hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý của khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ.

Ngoài ra, về phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các tổ chức có liên quan, VAMC Chủ động làm việc với các cơ quan, chính quyền địa phương để tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ trong việc đôn đốc khách hàng trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền và khách hàng vay để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý và đề nghị được áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản bảo đảm; phối hợp với Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) đẩy nhanh tiến độ thi hành án đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật. VAMC cũng tích cực hợp tác với các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế nhằm đẩy nhanh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu.

Minh Hùng