CẦN GIAO CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH

02/06/2022

Thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định giao thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh cho các cơ quan quản lý nhà nước là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật được quy định tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật và đánh giá cao việc Cơ quan soạn thảo đã căn cứ thực tiễn hoạt động khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua để bổ sung phạm vi điều chỉnh về khám, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A tại dự thảo Luật.

Tại  khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật quy định không điều chỉnh về các “hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe”, trong đó có liệt kê hoạt động “sàng lọc, phát hiện sớm bệnh, tật và các can thiệp để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, tật”. Ủy ban Xã hội cho rằng, việc loại trừ này cần được tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn do hoạt động này cũng cần sử dụng kỹ thuật chuyên môn trong khám, chữa bệnh và trực tiếp liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo thể hiện lại khoản này gọn hơn theo hướng Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) không quy định về y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng cộng đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với các chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh được nêu tại Điều 4 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn một số chính sách chưa rõ, chưa được cụ thể hóa tại các điều, khoản của dự thảo Luật để có cơ chế thực hiện, do đó đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục cụ thể hóa những nội dung của chính sách tại dự thảo Luật; Rà soát các chính sách quy định tại điều này nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các chính sách khác của Nhà nước; Lưu ý thể hiện lại, bổ sung, làm rõ một số thuật ngữ, nội dung cho phù hợp, rõ ràng.

Đối với thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề, tại Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án về thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề cùng với các ưu, nhược điểm, cụ thể: Phương án 1, Giao Hội đồng Y khoa quốc gia (HĐYKQG) cấp, thu hồi giấy phép hành nghề như quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật. Phương án 2, Giao HĐYKQG thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và giao các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh cũng như các điều kiện về sức khỏe, điều kiện về không thuộc trường hợp bị cấm để thực hiện việc cấp phép hành nghề.

Về phương án 1, Ủy ban Xã hội cho rằng, việc dự thảo Luật quy định giao HĐYKQG thực hiện chức năng như các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề khám, chữa bệnh hiện nay, trong khi lại chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, cũng như không quy định về địa vị pháp lý HĐYKQG nhằm xác định rõ vai trò, chức năng, mối quan hệ của Hội đồng đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh mà giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này theo lộ trình từ khi Luật có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2029 tại điểm b khoản 2 Điều 103 dự thảo Luật, đồng thời lại thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp giấy phép hành nghề tại điểm c khoản 2 Điều 103 dự thảo Luật là chưa phù hợp.

Toàn cảnh phiên họp

Nếu theo phương án này, Cơ quan soạn thảo cần lưu ý một số vấn đề như: Quy định một chương hoặc điều riêng về địa vị pháp lý HĐYKQG, bổ sung Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về việc thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng tương tự như HĐYKQG; Chỉ nên quy định HĐYKQG thí điểm tổ chức cấp và thu hồi giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh cho một số đối tượng trong phạm vi nhất định theo quy định của Chính phủ từ khi Luật có hiệu lực đến trước ngày 01/01/2030. Trong thời gian chuyển tiếp này các đối tượng khác thực hiện việc cấp và thu hồi giấy phép hành nghề theo quy định của Luật khám, chữa bệnh năm 2009.

Về phương án 2, Ủy ban Xã hội nhận thấy, việc quy định giao HĐYKQG hoặc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp y tế (nếu đủ điều kiện) thực hiện việc tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, còn thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề giao cho các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện đúng các chức năng được giao quản lý trong lĩnh vực khám, chữa bệnh là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay. Đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2.

Đối với việc sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, tờ trình đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án 1 là: Người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ một số trường hợp khám, chữa bệnh nhân đạo, đào tạo thực hành về khám, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám, chữa bệnh và chỉ đăng ký khám, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ như quy định tại Điều 24 dự thảo Luật. Phương án 2 là: Giữ như quy định hiện hành, cụ thể: người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, một số ý kiến trong Ủy ban Xã hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ theo phương án 1, tuy nhiên, đề nghị xác định rõ tiêu chí “biết tiếng Việt thành thạo” và “cùng ngôn ngữ mẹ đẻ” nhằm đảm bảo tính minh bạch của quy định, tránh tạo rào cản kỹ thuật đối với người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Đồng thời, đề nghị làm rõ căn cứ xác định thời gian chuyển tiếp 09 năm (từ ngày 01/01/2033) để bắt đầu áp dụng đối với quy định này và nghiên cứu quy định lộ trình đáp ứng điều kiện sử dụng tiếng Việt thành thạo đối với người nước ngoài xin cấp mới giấy phép hành nghề sau khi Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực để đảm bảo sự bình đẳng giữa những người hành nghề.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trong Ủy ban Xã hội cho rằng, việc giới hạn chỉ sử dụng tiếng Việt trong khám, chữa bệnh ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài, để khắc phục hạn chế trong sử dụng phiên dịch trong khám, chữa bệnh cần quy định theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ phiên dịch, xác định trách nhiệm pháp lý của các sự cố y khoa do sử dụng phiên dịch (ví dụ: bắt buộc ghi âm, ghi hình để xác định trách nhiệm của phiên dịch và bác sĩ do bất đồng ngôn ngữ) thay vì chỉ cho phép sử dụng tiếng Việt khi khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số và người hành nghề khám, chữa bệnh là người dân tộc thiểu số.

Hồ Hương