LÀM RÕ HƠN VIỆC GHI NHẬN, KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

02/06/2022

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, một số đại biểu cho rằng nguyên tắc của thi đua, khen thưởng là tự nguyện, công khai, minh bạch, thường xuyên, liên tục, chính xác, công bằng, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, do đó cần làm rõ hơn việc ghi nhận, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội.

 

 

 

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Đóng góp ý kiến tại phiên họp về vấn đề này, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, thẩm quyền đề nghị khen thưởng tại khoản 3 Điều 83 dự thảo Luật quy định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ địa phương là không khả thi. Theo đại biểu, vấn đề này đã kéo dài nhiều năm, được kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được tiếp thu hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương hoạt động 100% theo yêu cầu, nội dung, chỉ đạo và nhiệm vụ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công. Do đó, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thể theo dõi hoạt động của đại biểu Quốc hội tại các diễn đàn của Quốc hội, lãnh đạo dưới địa phương sẽ không nắm rõ được các hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn rằng về việc ai là người trình để xét khen thưởng khi thực hiện. Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc ghi nhận, khen thưởng đại biểu Quốc hội ở địa phương phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện mới phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

Cùng với đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nêu rõ, dự thảo Luật quy định đối tượng khen thưởng là đại biểu dân cử gồm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân còn chung chung; các đối tượng này thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác thi đua, khen thưởng. Hầu hết, các địa phương thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với đối tượng này còn lúng túng trong việc lập hồ sơ và đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Do đó, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục quan tâm, hoàn thiện và cụ thể các quy định về thi đua, khen thưởng đối với đối tượng này để đảm bảo thực hiện hiệu quả, khả thi.

Ngoài ra, đối với trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần làm rõ hơn việc ghi nhận khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội theo nhiệm kỳ. Theo đại biểu, quy định trong dự thảo Luật chưa phù hợp. Bởi, nguyên tắc của thi đua là tự nguyện, công khai, minh bạch, thường xuyên, liên tục; nguyên tắc của khen thưởng là chính xác, công bằng, kịp thời, thống nhất hình thức khen thưởng với đối tượng thành tích, công trạng, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm thì khen thưởng theo nhiệm kỳ đối với thành tích tham gia hoạt động tại Quốc hội. Đối với việc khen thưởng theo thành tích, công trạng hàng năm thì theo chức danh công tác của đại biểu. Đối với đại biểu chuyên trách thì phải xét khen thưởng hàng năm, bởi đây là công việc chính của đại biểu để đảm bảo được theo dõi thành tích liên tục, đồng thời thống nhất với các đối tượng khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, việc dẫn chứng theo Quy định 89 của Bộ Chính trị về khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, quy định việc đánh giá cán bộ quản lý theo nhiệm kỳ không liên quan đến việc đánh giá thi đua, ghi nhận thành tích để khen thưởng đại biểu Quốc hội. Theo đó, có đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương băn khoăn về việc thiệt thòi trong công tác thi đua, khen thưởng. Cũng có ý kiến kiến nghị Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoặc quy định đối với tiêu chí này. Từ thực tiễn địa phương, đại biểu cho rằng, việc xem xét thi đua, khen thưởng là trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội chuyên trách cần bám sát quy chế thi đua, khen thưởng để đảm bảo hồ sơ, tiến độ kịp thời. Hội đồng thi đua, khen thưởng cấp tỉnh không hạn chế hay so sánh, đặt tỷ lệ đối với đại biểu Quốc hội khi xét khen thưởng, miễn là đại biểu Quốc hội chuyên trách phải đảm bảo được tiêu chuẩn khen thưởng.

Trên cơ sở Hiến pháp của năm 2013; Luật Cán bộ, công chức; Quy định 89 ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế nhất trí việc quy định trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần sự tập trung chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là nội dung liên quan đến đánh giá, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương một cách chặt chẽ, thấu đáo, liên thông, không buông lỏng./.

Minh Thành