Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đánh giá bước đầu đối với báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ công tác của Đoàn giám sát cho rằng báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường phản ảnh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trong 05 năm qua, cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể về hoàn thiện pháp luật và tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Báo cáo cũng thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, triển khai nhiều giải pháp, biện pháp, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua.
Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai, Tổ công tác cho biết, đến nay, trên địa bàn cả nước đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hầu hết các đối tượng đang sử dụng đất, theo đó đã hoàn thành trên 77% diện tích tự nhiên; hoàn thành trên 97,6% diện tích được cấp Giấy chứng nhận lần đầu, trong đó đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 93%, đất lâm nghiệp đạt trên 98%, đất nuôi trồng thủy sản đạt trên 87%, đất ở nông thôn đạt trên 96%, đất ở đô thị đạt trên 98%, đất chuyên dùng đạt trên 87%, cơ sở tôn giáo đạt trên 83%.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ, Tổ trưởng Tổ công tác trình bày báo cáo
Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đã có những bước tiến so với trước đây, đáp ứng yêu cầu xây dựng vận hành cơ sở dữ liệu với 04 thành phần. Các địa phương đã vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai ở các mức độ khác nhau; một số tỉnh đã kết nối với cơ quan thuế và dịch vụ hành chính công của tỉnh.
Theo Tổ công tác, trong công tác cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, kinh phí đầu tư của địa phương và hỗ trợ của Trung ương cho thực hiện đo đạc, cấp giấy chứng nhận trong những năm qua còn hạn chế so với nhu cầu do nguồn thu từ đất giảm mạnh trong những năm qua và ngân sách Trung ương gặp nhiều khó khăn. Việc đo đạc lập bản đồ địa chính còn chậm, nhiều địa phương chưa có bản đồ địa chính nhất là khu vực đất nông nghiệp, nông thôn, các nông, lâm trường. Nhiều địa phương trong nhiều năm qua, sau khi cấp Giấy chứng nhận đã triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, dẫn đến thay đổi cơ bản so với các giấy chứng nhận đã cấp, do đó, phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý lại bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cấp đổi Giấy chứng nhận cho người dân trong những năm tới để đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Việc rà soát, sắp xếp, xác định ranh giới, mốc giới, giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai của các nông, lâm trưởng, ban quản lý rằng thực hiện còn chậm, kém hiệu quả.
Về xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai, thông tin đăng ký đất đai vẫn chưa hoàn thiện, chủ yếu ở dạng hồ sơ giấy và độ tin cậy thấp. Hệ thống thiết bị và đường truyền còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, khai thác sử dụng thông tin đất đai ở các cấp. Phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đang sử dụng ở các địa phương còn chưa thống nhất, gồm nhiều loại phần mềm khác nhau, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng thống nhất cho hệ thống thông tin đất đai quốc gia. Còn nhiều tỉnh, huyện, xã chưa triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hoặc đã triển khai nhưng chậm hoàn thành hoặc đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa được đưa vào quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả trong quản lý đất đai.
Tổ công tác đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung báo cáo theo hướng làm rõ thực trạng công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan và đề xuất những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, cải thiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Đối với kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ công tác cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng “Hệ thống thông tin quản lý thanh tra, kiểm tra và tranh chấp, khiếu nại tố cáo ngành tài nguyên và môi trường" từ năm 2015 đáp ứng các yêu cầu xử lý hồ sơ khiếu nại, tố cáo. Để kết nối, liên thông dữ liệu, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường lên Hệ thống cơ sở dữ liệu khiếu nại, tố cáo quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt dự án “Kết nối cơ sở dữ liệu thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo ngành tài nguyên và môi trường với Thanh tra Chính phủ", thời gian thực hiện trong 02 năm 2020 - 2022. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo còn chậm, thiếu cập nhật, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đơn vị, do vậy, chưa khắc phục hiệu quả tình trạng đơn thư trùng lặp, gửi nhiều nơi, hết thẩm quyền, thời hiệu.... Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị trong bối cảnh dịch bệnh Covid kéo dài, cùng với điều kiện địa lý của các đối tượng khiếu nại, tố cáo, thời gian tới Quốc hội, Chính phủ cho triển khai tiếp công dân theo phương thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến./.