Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian gần đây, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn khó lường, khó dự báo ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hoạch định chính sách và phát triển chung trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các thách thức đó đến từ nhiều nguyên nhân, song không thể không nói đến tác động mạnh mẽ của sự bùng phát đại dịch COVID - 19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, có thể coi đây là “Thử thách kép” đối với thị trường lao động toàn cầu: vừa gây đứt gãy thị trường lao động trẻ vừa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và đào tạo nghề nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề.
Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt. Qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, thanh niên luôn là lực lượng nhạy bén trong điều chỉnh, đổi mới chính mình, thích ứng, thích nghi nhanh chóng để phát triển nhanh và bền vững hơn. Do vậy, dù là trong bối cảnh nào, thử thách nào, chúng ta vẫn luôn tin tưởng thanh niên sẽ phát huy tinh thần lạc quan, chủ động thay đổi tư duy, cách thức làm việc, biến “nguy” thành “cơ” để đối diện với thời cuộc một cách chủ động nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên Việt Nam hôm nay là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam trong chủ trương duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, cho người dân nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng; góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đào tạo nghề, cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ các cơ sở thực tiễn trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách cho thanh niên ngày càng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh rằng, vai trò của thanh niên hiện nay là rường cột của nước nhà. Phó Thủ tướng chỉ ra, trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự phân công lao động quốc tế ngày càng dữ dội hơn. Ngày xưa nói rằng “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, “quý hồ tinh bất quý hồ đa” nhưng bây giờ không phải chỉ giỏi một nghề nữa. Thanh niên ngày nay cần thường xuyên thay đổi, cập nhật công nghệ trong nghề của mình. Quan trọng hơn nữa, dù là mong muốn chủ động hay bị động trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, chúng ta phải sẵn sàng “nhảy nghề”. Điều này đặt ra cho hệ thống giáo dục và giáo dục nghề nghiệp nói riêng và cả xã hội phải có rất nhiều thay đổi.
Kỹ năng nghề không chỉ là kỹ năng cứng mà còn là những kỹ năng mềm, kỹ năng đóng góp vào những hoạt động của xã hội. Điều này không chỉ giúp cho cuộc sống của chính các bạn mà còn tiếp thêm năng lượng tích cực cho cộng đồng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc phải làm là liên thông để trong trường nghề dạy được văn hóa, đồng thời cần phải hướng nghiệp sớm hơn cả bậc trung học phổ thông. Phó Thủ tướng tin tưởng với sức trẻ, dấn thân, thanh niên sẽ giúp Việt Nam chúng ta thích ứng và nắm bắt được thời cơ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0./.