Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về hình thức hợp đồng, theo quy định tại khoản 1 Điều 119 của Bộ luật Dân sự: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”. Như vậy, pháp luật đã cho phép lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự. Đối với hợp đồng bảo hiểm, hình thức phù hợp đã được lựa chọn và quy định tại dự thảo là “văn bản”. Theo đó, dự thảo Luật được điều chỉnh, sửa đổi theo hướng quy định: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, văn bản điện tử, điện báo, telex, fax hoặc các hình thức văn bản khác do pháp luật quy định”.
Về việc quy định rõ điều kiện, các trường hợp được loại trừ bảo hiểm, bao gồm cả điều khoản loại trừ trách nhiệm với bên mua bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của dự thảo Luật, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, các trường hợp được loại trừ sẽ được quy định cụ thể tại hợp đồng bảo hiểm. Dự thảo Luật chỉ quy định về nguyên tắc và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện trách nhiệm giải thích cho bên mua bảo hiểm về điều khoản loại trừ bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Về vấn đề bằng chứng xác nhận giữa bên mua với bên bán bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, theo thông lệ quốc tế, các nước quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải có thư lưu ý khách hàng về các nội dung quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm (trong đó có điều khoản loại trừ). Tuy nhiên, để giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của khách hàng, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung: “Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Như vậy, bằng chứng xác nhận có thể là một văn bản riêng, có thể là chữ ký của bên mua bảo hiểm tại Giấy yêu cầu bảo hiểm xác nhận về việc đã được giải thích về hợp đồng bảo hiểm, bao gồm cả điều khoản loại trừ bảo hiểm hoặc có thể là bằng chứng khác để phù hợp cả trong trường hợp giao kết hợp đồng bảo hiểm điện tử.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo
Về trường hợp “đối tượng bảo hiểm không tồn tại”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, theo quy định tại khoản 2 Điều 108 của Bộ luật Dân sự, tài sản hình thành trong tương lai bao gồm tài sản chưa hình thành hoặc tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch; khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm[1] quy định: “Tài sản được hình thành từ vốn vay; tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm; tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật. Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất”; Điều 4 của Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là nhà, công trình xây dựng đang trong quá trình xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng”; khoản 19 Điều 3 của Luật Nhà ở quy định: “Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng”.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 của dự thảo Luật, một trong các trường hợp hợp đồng vô hiệu là: “tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại”. Căn cứ các quy định nêu trên có thể hiểu một tài sản được xem là hình thành trong tương lai thì tài sản đó phải đang trong quá trình hình thành (đầu tư, xây dựng) và chưa hoàn thiện chứ không phải là không tồn tại (Ví dụ: nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng).
Ngoài ra, đối với việc kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ và thống nhất về kỹ thuật lập pháp trong các điều khoản, dự thảo Luật sẽ quy định theo hướng Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận giao kết một loại hợp đồng bảo hiểm hoặc kết hợp nhiều loại hợp đồng bảo hiểm theo các quy định của Luật này./.