Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngày 18/10/2021, Ủy ban Xã hội đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội Báo cáo số 257/BC-UBXH15 thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.
Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội. Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật. Tuy nhiên, một số chính sách, quy định được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống; nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Quốc hội nghe thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Về công tác thanh tra, kiểm tra: Năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và ngành bảo hiểm xã hội đã thực hiện hơn 8.600 cuộc thanh tra, kiểm tra (giảm 54% so với năm 2019), chủ yếu là do ngành bảo hiểm xã hội thực hiện (99,39%); đã phát hiện nhiều trường hợp sai phạm, chưa thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả giai đoạn 2016-2020 còn vẫn ở mức thấp, mới thu hồi 25,2% của tổng số tiền phải thu hồi; tại một số ít địa phương, vẫn còn tình trạng chưa linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế việc lạm dụng, trục lợi quỹ.
Công tác phát triển đối tượng và việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Về phát triển đối tượng: Đến hết năm 2020, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm 2,6% so với năm 2019; trong đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm 1,0 % so với năm 2019; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng hơn 2 lần so với năm 2019. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp giảm 1,0% so với năm 2019 và chiếm tỷ lệ khoảng 27,53% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Ủy ban Xã hội nhận thấy: Năm 2020, theo báo cáo của Chính phủ việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra và chiếm tỷ lệ 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; dự kiến đạt kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, việc phát triển lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, nếu không tính đến tác động của đại dịch COVID-19 và việc Tổng cục Thống kê thay đổi cách tính lực lượng lao động (không tính nhóm đối tượng tự sản, tự tiêu vào lực lượng lao động) thì sẽ không đạt được mục tiêu này.
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 chỉ đạt 93,8% kế hoạch; chiếm tỷ lệ trên 31% lực lượng lao động trong độ tuổi và sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu năm 2021. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 đã đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025, tuy nhiên, mức đóng có xu hướng giảm nhanh.
Ngành Bảo hiểm xã hội đã đầu tư và ứng dụng rất lớn về công nghệ thông tin, nhưng việc sử dụng các số liệu để phục vụ công tác báo cáo còn chưa phù hợp, chưa kịp thời và chưa sát với số liệu quyết toán… nên rất khó khăn trong việc theo dõi, đánh giá, thẩm tra, thậm chí làm cho một số đánh giá, nhận định trái ngược, không sát thực ....
Về tình hình thu bảo hiểm xã hội: Năm 2020, tổng số thu bảo hiểm xã hội đạt kế hoạch đề ra. Ủy ban nhận thấy, số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 6,25% nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019. Mức lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp tăng không đáng kể, thậm chí tỷ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có xu hướng giảm nhanh.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, số nợ, chậm đóng có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo; Cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù khi hết thời hạn tạm dừng đóng.
Ủy ban Xã hội thấy rằng: Các nội dung chi của Quỹ Bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đều tăng về số người, số tiền so với năm 2019 và nằm trong xu thế tăng đều trong những năm qua; Vẫn còn tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ để lạm dụng, trục lợi Quỹ ốm đau, thai sản; vẫn còn tình trạng chi sai, chi chế độ trợ cấp thất nghiệp trùng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội; Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn chi chủ yếu vào một số chế độ nhất định, chưa thực hiện được hết các chế độ theo quy định.
Về tình hình thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Năm 2020 tăng 6,65% so với năm 2019 và gấp hơn 02 lần so với số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm của năm 2020 so với năm 2019. Ủy ban Xã hội thấy rằng, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có tốc độ tăng hơn so với năm trước, tuy nhiên, vẫn chỉ dao động ở mức khoảng 5% trong các năm qua nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng; Với tốc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.
Về cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin: Đây là lĩnh vực mà ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đi đầu trong những năm gần đây và tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được. Đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành (27/27 thủ tục hành chính). Việc ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động đã đạt được những kết quả tích cực và hướng tới quản lý, công khai và kiểm soát tốt hơn quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của các bên. Tuy nhiên, việc tham gia giao dịch điện tử của cá nhân và một số đơn vị vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là nhóm doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình có ít lao động, do hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, thiếu phương tiện, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, Ủy ban Xã hội có kiến nghị đối với Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và với Chính phủ. Theo đó, đối với Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó đặc biệt lưu ý việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội. Có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Đối với các Bộ, ngành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tồn đọng kéo dài; ban hành văn bản hướng dẫn việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao theo hình thức tự nguyện. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, liên thông dữ liệu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giữa các cơ quan liên quan.
Đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội; đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản thanh toán chế độ không đúng quy định. Bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đối với một số Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan khác, Ủy ban đã có kiến nghị cụ thể trong Báo cáo số 257/BC-UBXH15./.