BÁO CÁO THẨM TRA VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP. HẢI PHÒNG VÀ CÁC TỈNH THANH HÓA, NGHỆ AN, THỪA THIÊN HUẾ

22/10/2021

Sáng 22/10, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra

Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Trình bày báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí ban hành Nghị quyết này để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Về thẩm quyền ban hành và hồ sơ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là đúng thẩm quyền.

Đối với hiệu lực thi hành của Nghị quyết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành áp dụng từ ngày 01/01/2022 và có thời hạn 05 năm. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định thời hạn thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù này chỉ đến hết năm 2025 để bảo đảm phù hợp với kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Trình bày trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, Ủy ban đã thẩm tra nhiều nội dung cụ thể trong Nghị quyết như về chính sách dư nợ vay; Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; định mức chi thường xuyên; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Điều chỉnh, ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của địa phương

Cụ thể, về chính sách dư nợ vay, Tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách các tỉnh, thành phố do Quốc hội quyết định hằng năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo Nghị quyết và cho rằng, quy định này góp phần tạo dư địa để thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay, vì thực tế hiện nay, các địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định hiện hành và trong giai đoạn 2021-2025 tổng mức bội chi ngân sách của các địa phương chỉ là 0,3%GDP.

Bên cạnh đó, về định mức chi thường xuyên, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với Dự thảo Nghị quyết, vì đây là cơ chế đã được quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Toàn cảnh phiên họp

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa, dự thảo Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được ban hành phí, lệ phí chưa có trong Danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với Dự thảo Nghị quyết này. Tuy nhiên, đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc: việc điều chỉnh, ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.

Đối với việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, dự thảo Nghị quyết quy định: “Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước... và ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn”, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, hiện nhu cầu vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế khá lớn nhưng ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được toàn bộ. Do vậy, để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương, đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp của các di tích quốc gia, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, để bảo đảm tăng cường nguồn lực cho công tác trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị bổ sung quy định “Khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa trung ương với địa phương và xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách cho ngân sách địa phương, tương tự như cơ chế đối với khoản thu từ đất, thu từ sổ xố kiến thiết”. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tăng mức thu phí tham quan để góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương trong việc bảo tồn, trùng tu di tích.

Đẩy mạnh phân cấp quy hoạch theo thẩm quyền được giao

Đối với việc quản lý quy hoạch, dự thảo Nghị quyết quy định “Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố này thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị”, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, hiện thành phố Đà Nẵng cũng đang được phân cấp điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 119/2020/QH14. Do đó, Uỷ ban nhất trí với dự thảo Nghị quyết để bảo đảm phù hợp với tinh thần đẩy mạnh phân cấp theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Về vấn đề thu thuế từ xử lý nhà, đất, dự thảo Nghị quyết quy định: “Ngân sách tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh)”. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, đa số ý kiến của Uỷ ban cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất với chính sách hiện nay của thành phố Hồ Chí Minh đang được hưởng theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 và góp phần tạo nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế, đề xuất này là phù hợp. Tuy nhiên, theo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có khoản thu nào từ cơ chế này. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn về cơ sở pháp lý để thực hiện thuận lợi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chỉ để lại 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới.

Bên cạnh đó, về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, dự thảo Nghị quyết quy định: “Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố; ... thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý...”.

Về nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí, vì quy định này phù hợp với Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, đồng thời phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp./.

Bùi Hùng - Minh Thành