Tổ 6 gồm các ĐBQH ở trung ương, ĐBQH chuyên trách thuộc 7 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk; Đồng Tháp và Hậu Giang. Tại Phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Chính sách dư nợ vay; Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; Thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; Quản lý đất đai; Quản lý quy hoạch; Thu từ xử lý nhà, đất.
Qua thảo luận, đa số ý kiến đều tán thành với sự nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này. Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương đã được nêu tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo tính khả thi; đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị;….
Đồng tình với một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, đây là tỉnh có nhiều tiềm năng, thành phố di sản văn hóa. Do vậy, cũng cần có cơ chế đặc thù rõ nét hơn so với các tỉnh, thành phố khác, vì ngoài thúc đẩy kinh tế thì tỉnh Thừa Thiên Huế phải đảm bảo mục tiêu bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa.
Đại biểu Vũ Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ
Tán thành với đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, đại biểu Vũ Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ, đặc biệt là về tổ chức bộ máy. Theo đại biểu, cần xem xét không hình thành bộ máy riêng mà giao cho 1 cơ quan thuộc địa phương quản lý để không tăng biên chế và cũng đảm bảo ngân sách địa phương không cấp hoạt động cho Quỹ.
Liên quan đến chính sách dư nợ vay, có ý kiến cho rằng, quy định này góp phần tạo dư địa để thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc để đảm bảo phù hợp với mức trần tổng dư nợ vay.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế dựa trên cơ sở các tỉnh, thành phố đều đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề này. Vì vậy, Quốc hội ban hành Nghị quyết để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ về Dự thảo các Nghị quyết và hồ sơ. “Mỗi tỉnh, thành phố đều có thế mạnh, tiềm năng, điều kiện tự nhiên riêng. Do vậy, cơ chế đặc thù của từng địa phương phải làm sao cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đây là vấn đề đặt ra rất lớn, Bộ Chính trị mong muốn các địa phương đã có Nghị quyết thì làm sao có bước phát triển bứt phá mạnh mẽ…”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, yêu cầu đặt ra là phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương nhưng phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước. “Bản thân các tỉnh, thành phố phải thật sự nỗ lực, đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chủ động nhưng trong khuôn khổ pháp luật đổng thời phải làm sao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tăng cường giám sát của Măt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội …” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục làm rõ một số nội dung: các thành phố, tỉnh nêu tại Dự thảo Nghị quyết phải phát triển toàn diện, kiểu mẫu,… liệu có thực sự khả thi, phù hợp hay không?; Thí điểm cho cơ chế, chính sách sẽ dẫn đến tác động và thay đổi lớn về công tác quy hoạch, ngân sách nhà nước, tổ chức chính quyền các cấp;.... Vì vậy, cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động sâu sắc ,nhiều chiều; làm rõ mặt thuận lợi, khó khăn để dự kiến quy định chính sách trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ quan điểm thống nhất với nội dung Chính phủ trình và các vấn đề đã được nêu tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh việc quan tâm đặc biệt đến các vùng khó khăn, tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta còn ưu tiên phát triển các vùng động lực nhằm tạo bước phát triển vượt bậc.
Cho rằng dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện hết các nội dung mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã ban hành, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần quan tâm đến nội dung đặc thù về tổ chức bộ máy. Đây là yếu tố này rất quan trọng liên quan đến vấn đề nhân sự, con người.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng nhất trí nhiều nội dung đề xuất tại dự thảo Nghị quyết đồng thời bày tỏ tin tưởng với các cơ chế, chính sách đặc thù này, sau khi được ban hành, thành phố Hải Phòng, và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế sẽ có động lực, cơ sở phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới./.