Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, bảo đảm tiến độ và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động và kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đánh giá về những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Chính phủ đã thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thông qua việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực tổ chức thực hiện từ ngày 01/01/2021.
- Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
- Kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
- Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020 là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước
Về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2020, tổng số tiền Ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện tăng 35% so với năm 2019.
Về triển khai thực hiện chính sách khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung: Hiện nay, đã có 03 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Việc thực hiện ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội cho biết, cơ quan BHXH đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (27/27 thủ tục), kết nối, tích hợp và cung cấp 15 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong năm 2020, cơ quan BHXH đã tiếp nhận và giải quyết trên 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2020, thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật BHXH, BHTN tại 05 cơ quan BHXH cấp tỉnh, 20 cơ quan BHXH cấp huyện trên địa bàn 05 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đồng Nai, Bến Tre, Hưng Yên và Lâm Đồng) và 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Qua thanh tra, ban hành 52 kiến nghị đối với các cơ quan bảo hiểm xã hội; 70 kiến nghị đối với các doanh nghiệp, 02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020
Về tình hình và kết quả thu - chi BHXH bắt buộc năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số người tham gia BHXH bắt buộc đến hết 31/12/2020 là 15.050.944 người, giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với năm 2019. Đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Ngoài ra, việc tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy cũng làm cho lao động thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang giảm, tác động đến số người tham gia BHXH bắt buộc. Số tiền thu BHXH bắt buộc năm 2020 tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong năm 2020, tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng, trong đó, việc chậm đóng BHXH chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm hơn 57,1%. Bộ trưởng cũng đề xuất các giải pháp hạn chế, thu hồi tiền chậm đóng BHXH như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ thông tin, dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký lao động, BHXH theo quy định của pháp luật…
Liên quan đến tình hình triển khai thực hiện BHXH tự nguyện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, mặc dù công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã vượt chỉ tiêu đến năm 2021 đạt 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện nhưng vẫn còn cách xa so với tiềm năng. Mức bình quân thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện đang có xu hướng giảm trong cả giai đoạn 2016 - 2020, mức bình quân thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện của năm 2020 đã giảm 34,66% so với mức bình quân của năm 2016. Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Đại dịch Covid-19 đã tác động đến việc thực hiện chính sách BHTN
Đề cập về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thấy, trong bối cảnh dịch bệnh, chính sách BHTN thực sự phát huy được chức năng của mình, giúp người lao động đảm bảo, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng đã có tác động đến việc thực hiện chính sách BHTN thể hiện ở số người tham gia giảm, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao.
Về thủ tục tham gia BHXH, BHTN, để cải cách, giảm thiểu biểu mẫu hồ sơ, thời gian thực hiện các thủ tục tham gia BHXH, BHTN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay chỉ còn 03 thủ tục hành chính về chi trả và 15 thủ tục hành chính giải quyết hưởng các chế độ BHXH; đồng thời ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng thực hiện. Thời gian thực hiện của cơ quan BHXH trong việc giải quyết hưởng các chế độ BHXH được rút ngắn so với quy định, cụ thể: Thủ tục giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản chỉ còn 06 ngày (Luật Bảo hiểm xã hội quy định 10 ngày), thủ tục giải quyết hưởng BHXH một lần chỉ còn 05 ngày (Luật Bảo hiểm xã hội quy định 10 ngày), thủ tục giải quyết hưởng lương hưu chỉ còn 12 ngày (Luật Bảo hiểm xã hội quy định 20 ngày).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo toàn, phát triển quỹ BHXH, BHTN: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2016/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN trong đó quy định cụ thể về nguyên tắc, các hình thức, việc xây dựng các phương án, phương thức và giao trách nhiệm cho Hội đồng quản lý BHXH thông qua phương án đầu tư và giao cho cơ quan BHXH trực tiếp thực việc đầu tư cụ thể theo quy định của pháp luật.
Nhìn chung, bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, số người tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ ra nguyên nhân, hạn chế này là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Nhận thức của một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN gặp nhiều hạn chế. BHTN chưa thực thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động, việc hỗ trợ người lao động tiếp tục quay trở lại thị thường lao động sau khi bị mất việc làm chưa thực sự hiệu quả.
Kiến nghị, đề xuất với Quốc hội
Từ những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội:
- Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH.
- Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Bảo hiểm xã hội về các hình thức đầu tư để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng. Trong khi chưa sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cho phép Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội được quyết định đầu tư, gửi tiền tại các NHTM hoạt động tốt hoặc lành mạnh, ổn định theo danh sách do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp hằng năm.
- Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo định hướng cải cách chính sách BHTN tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động./.