CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THUỘC VỀ NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, PHỤC VỤ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN

01/06/2021

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định lại quan điểm nhất quán của Đảng ta: “… chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Chúng ta “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”[1].

 

Tập trung xây dựng con người

Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đồng thuận xây dựng là một xã hội thuộc về Nhân dân, do Nhân dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân, hoàn toàn không phải là xã hội của các giai cấp bóc lột mà lịch sử nhân loại đã và đang trải qua. Với bản chất ưu việt đó, với bài học từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX và theo tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có hai phương diện đặt ra trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta cần quan tâm. Một là, Nhân dân phải nhận rõ mình cần phấn đấu để có đạo đức/trách nhiệm, năng lực cao thì mới đủ tư cách chủ thể để xây dựng và thụ hưởng chủ nghĩa xã hội. Hai là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lựa chọn, xây dựng đội ngũ “công bộc của dân” thật sự có phẩm chất “chí công vô tư Hồ Chí Minh”, có năng lực vượt trội, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám đổi mới sáng tạo để dẫn dắt hành trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đi tới thành công. Mọi người và mỗi người có nhận thức, có quyết tâm và có hành động như thế dưới ngọn cờ của Đảng tiên phong thì mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội như Đảng, Nhân dân ta mong muốn, xác định và tiến hành ở Việt Nam. 

Hồ Chí Minh đã khẳng định rất chính xác rằng, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”[2]. Với tư cách là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước mình, Nhân dân phải ý thức và ra sức tu dưỡng, rèn luyện; Đảng, Nhà nước tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng văn hóa, con người để có được ngày càng nhiều phẩm chất và năng lực của con người mới xã hội chủ nghĩa trong mỗi con người Việt Nam mà Bác đã chỉ ra: (1) Có tư tưởng xã hội chủ nghĩa: Ý thức làm chủ; tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa; tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”; dám nghĩ, dám làm, vươn lên vì sự nghiệp của đất nước. (2) Có đạo đức và lối sống lành mạnh: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng; có lối sống lành mạnh, trong sạch. (3) Có tác phong khoa học: Lao động có kế hoạch, biện pháp, quyết tâm, tổ chức, kỷ luật, kỹ thuật, năng suất, chất lượng hiệu quả. Có năng lực làm chủ bản thân, gia đình và công việc mà mình đảm nhiệm, tham gia tích cực vào làm chủ nhà nước và xã hội. Đó là những điều kiện cần và đủ.

Theo V.I Lênin, giai cấp vô sản dù đã nắm được chính quyền, nhưng nếu không làm cho xã hội mới có trình độ phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản, thì giai cấp vô sản vẫn chưa xây dựng xong chủ nghĩa xã hội, thậm chí, “công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ còn là một mớ sắc lệnh”[3]. Trên thực tế, xét đến cùng thì giải phóng xã hội vẫn phải được quyết định bởi năng suất lao động và tinh thần dân chủ. Đó là vấn đề quan trọng nhất, chủ yếu nhất quyết định thắng lợi của chế độ xã hội mới. Lênin cũng đã chỉ ra: “Chủ nghĩa tư bản chỉ có thể bị đánh bại hẳn, và sẽ bị đánh bại hẳn vì chủ nghĩa xã hội tạo ra nền dân chủ mới gấp triệu lần dân chủ tư sản và năng suất lao động mới cao hơn nhiều”[4].

Vấn đề lớn lao nhất trong xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải tạo ra được nền tảng, vật chất của chủ nghĩa xã hội. Mà muốn xây dựng được nền tảng, vật chất cho chủ nghĩa xã hội, điều quan trọng nhất là phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chủ nghĩa xã hội là “do Nhân dân tự xây dựng lấy”, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất... Muốn phát triển sức sản xuất thì trước hết phải nâng cao năng suất lao động và muốn nâng cao năng suất lao động thì phải tổ chức lao động cho tốt”[5]. 

Với ý nghĩa đó, ngày nay, hơn lúc nào hết trong giai đoạn phát triển nhanh, bền vững đất nước trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội cần tập trung xây dựng con người. Chỉ có như vậy Nhân dân mới có đủ năng lực, đủ điều kiện, xứng đáng với vai trò chủ thể quá trình xây dựng và thụ hưởng chủ nghĩa xã hội.

Tập trung xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ

Đại hội lần thứ XIII Đảng xác định “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…” ở vị trí hàng đầu trong số những công việc cần làm của nhiệm kỳ. Đảng và Nhân dân cần đặc biệt tập trung hơn nữa đến công tác “then chốt” - công tác xây dựng Đảng và công tác “then chốt của then chốt” - công tác cán bộ - công việc gốc của Đảng. Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay không ngoài mục đích để Đảng ngang tầm đảm đương vai trò lãnh đạo và cầm quyền trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân tin yêu trao gửi. Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt xuất phát từ vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng nước ta. Đây là bài học lớn, là kết luận sâu sắc được rút ra trong suốt quá trình hơn 90 năm hoạt động của Đảng và cũng là cơ sở lý luận khoa học, kinh nghiệm thực tiễn, vấn đề có tính nguyên tắc, tính quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng và công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đó là quan điểm, nguyên tắc nhất quán của Đảng, là sự đúc kết sâu sắc từ lý luận và thực tiễn lãnh đạo của Đảng qua nhiều thập kỷ, là sự kế thừa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Bởi, cán bộ là gốc của mọi công việc; công việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém; khi đã có đường lối chính trị đúng đắn thì yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng là công tác tổ chức và cán bộ. Vì một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhân dân cần xây dựng cho được đội ngũ cán bộ của Đảng có đủ phẩm chất và năng lực.

Nhận thức được những nội dung quan trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hết sức căn bản cả về lý luận lẫn thực tiễn. Vấn đề xây dựng một xã hội mà quyền lực thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân - chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì với tinh thần dân chủ, sáng tạo, tự giác, kỷ cương, trách nhiệm cao, của mỗi người, mỗi tổ chức, toàn xã hội dưới ngọn cờ của Đảng.. 

_______________

[1]. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản Điện tử, ngày 16-5-2021.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.13, tr. 66.

[3]. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva 1981, t.42, tr. 37.

[4]. V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr. 25.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.13, tr. 69.

 

  PGS. TS. Đoàn Thế Hanh - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)