CẢI TIẾN QUY TRÌNH TẠI PHIÊN HỌP TOÀN THỂ QUỐC HỘI

31/05/2021

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV kết thúc thành công để lại nhiều thành tựu quan trọng vừa là tiền đề quan trọng để Quốc hội khóa XV kế thừa và phát huy nhưng cũng là áp lực trong việc làm sao tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong đó có đổi mới các phiên họp toàn thể của Quốc hội trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm.

Tại các buổi làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng sẽ là thách thức đối với Quốc hội khóa mới khi tiếp tục phát triển những kết quả Quốc hội khóa XIV và các khóa trước để lại và đạt được. Bởi với 75 năm truyền thống hình thành và phát triển, nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đạt được những kết quả tích cực, thành công, tạo được niềm tin trong nhân dân được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Thành công của Quốc hội khóa trước vừa tạo tiền đề tốt để khóa sau kế thừa duy trì, nhưng cũng là áp lực cho khóa sau có cải tiến gì không, đổi mới gì không, có phát huy được những thành tựu đã có hay không? Chủ tịch Quốc hội cho rằng tiếp tục đổi mới cải tiến nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội là khó khăn song không phải không có dư địa để thực hiện như tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp, sửa đổi, bổ sung Nội quy Kỳ họp, nâng cao chất lượng tổng hợp các phiên thảo luận tại tổ để tập trung thảo luận, tranh luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chuyển từ quốc hội tham luận sang quốc hội thảo luận và tranh luận…

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Gợi ý của Chủ tịch Quốc hội về việc cải tiến cách thực tiến hành kỳ họp, sửa đổi nội quy kỳ họp đặt trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay càng trở nên cần thiết và quan trọng.

Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ và có thể có các kỳ họp bất thường do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) yêu cầu hoặc theo quyết định triệu tập của mình Uỷ ban thương vụ Quốc hội (UBTVQH) để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong chương trình làm việc của các kỳ họp có các phiên họp toàn thể và họp tổ.

Phiên họp toàn thể của Quốc hội chủ yếu họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định họp kín. Các vấn đề trong chương trình kỳ họp Quốc hội được thảo luận và quyết định tại các phiên họp toàn thể như xem xét, thông qua luật, xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác; quyết định nhân sự; tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn...

Tại phiên họp toàn thể, thành viên chính phủ không phải là ĐBQH được mời tham dự, phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà thành viên đó phụ trách, theo yêu cầu của Quốc hội hoặc được Quốc hội đồng ý theo đề nghị của thành viên đó. Đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.

Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp bãi nhiệm đại biểu quốc hội, rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội hoặc sửa đổi Hiến pháp, thì phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Quốc hội tiến hành bầu lãnh đạo Nhà nước tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Quốc hội khóa mới. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người. Quốc hội bầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong số các đại biểu Quốc hội do Chủ tịch nước giới thiệu.

Phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội

Tại phiên họp toàn thể, thời gian thuyết trình về dự án, đề án, trình bày báo cáo cũng được quy định trong khoảng 10-15 phút, chủ yếu là trình bày báo cáo tóm tắt, còn bản đầy đủ được gửi cho các ĐBQH nghiên cứu trước đó. Thời gian phát biểu của ĐBQH tham gia thảo luận lần thứ nhất không quá 07 phút, lần thứ hai không quá 03 phút; thời gian tranh luận không quá 3 phút; chất vấn không quá 2 phút theo đồng hồ đếm ngược trên bảng điện tử trong hội trường, trừ trường hợp được chủ tọa cho phép kéo dài.

Chất vấn tại phiên họp toàn thể được tiến hành theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 02 phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá 05 phút. Trường hợp cần thiết, Chủ tọa quyết định việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn.

Biểu quyết tại phiên họp toàn thể do Quốc hội quyết định, áp dụng bằng hệ thống biểu quyết điện tử, bằng bỏ phiếu kín hay bằng giơ tay.  Từ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội được trang bị thiết bị máy tính bảng với phần mềm Quốc hội điện tử có chức năng đăng ký phát biểu và biểu quyết để các vị đại biểu Quốc hội sử dụng trong các phiên họp trực tuyến của Quốc hội.

Kỳ họp Quốc hội và các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội phải được ghi âm, ghi biên bản.

Có thể nói, phiên họp toàn thể của Quốc hội - nơi tập trung trí tuệ, ý chí của đại biểu Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của kỳ họp Quốc hội được luật định với quy trình, thủ tục chặt chẽ. Từ thực tiễn nghiên cứu cách thức tiến hành các phiên họp toàn thể của Quốc hội cho thấy, việc cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp Quốc hội có thể thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian họp tập trung song vẫn bảo đảm các nội dung và chất lượng.

Một là, rút ngắn thời gian họp. Trong xu hướng nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH với nguồn nhân sự giới thiệu ứng cử ĐBQH hoạt động chuyên trách, bảo đảm chất lượng, vì vậy, tùy theo yêu cầu, tình hình thực tiễn, UBTVQH tiếp tục duy trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước mỗi kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng dự thảo, dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, giảm thời gian thảo luận, thông qua dự án luật mà vẫn đảm bảo chất lượng của luật.

Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu có thể phát biểu 5 phút, thay vì 7 phút như hiện nay, để tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhất, ít dẫn dắt, diễn giải, đi thẳng vào vấn đề để nhiều đại biểu được phát biểu, để nhiều nội dung, khía cạnh của vấn đề được đề cập hơn, đa dạng, đa chiều hơn.

Đối với hoạt động đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể, do ĐBQH đã có bản báo cáo, tờ trình, bản tóm tắt gửi trước, vì vậy, cần giảm thời gian đọc báo cáo từ 15 phút xuống 10 phút để dành thời gian cho thảo luận; trong một số trường hợp, cần chạy chữ, hoặc slide trên bảng điện tử, đặc biệt là các báo cáo có nhiều số liệu như ngân sách nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… để ĐBQH thuận tiện hơn cho việc theo dõi.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV với nội dung trình bày nhiều tờ trình, báo cáo, trong đó có 02 hiệp định EVFTA, EVIPA, để bảo đảm thời gian phiên họp toàn thể, Tổng Thư ký Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan cần chuẩn bị văn bản tóm tắt cô đọng, súc tích, chỉ sử dụng đúng thời gian được ghi trong chương trình; hay tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trình chiếu 2 phóng sự về an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập thay vì trình bày báo cáo giám sát về 2 nội dung này, và đây cũng được coi như ý kiến thảo luận của tập thể 2 ủy ban. Đây là một sáng kiến mới của kỳ họp, giúp cho các ĐBQH được trực tiếp nắm bắt nội dung, kết quả giám sát chuyên đề của 2 Ủy ban bằng cả hình ảnh và lời thuyết minh bên cạnh việc nghiên cứu báo cáo đầy đủ kết quả giám sát.

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ họp. Vừa qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19, UBTVQH đã đồng ý tổ chức Kỳ họp thứ 9, 10 của Quốc hội khóa XIV, theo phương thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, đây là cơ hội để Quốc hội thử nghiệm đổi mới hoạt động và cũng là kỳ họp thể hiện sự đoàn kết dân tộc, hiệu triệu cả nước tập trung chống dịch và nhanh chóng phục hồi kinh tế. Đây cũng là cách Quốc hội kiểm nghiệm năng lực công nghệ thông tin hiện có của mình trên con đường tiến tới Quốc hội điện tử sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất.

Bằng cách sử dụng các thiết bị thông minh và phần mềm, các đại biểu Quốc hội có thể khai thác, sử dụng tài liệu; đăng ký phát biểu; xin ý kiến đại biểu; biểu quyết... Các phát biểu thảo luận, tranh luận của đại biểu dễ dàng được ghi âm, ghi hình, bóc băng kịp thời, làm tài liệu lưu hành trong kỳ họp. Sau các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị di động.

Với cơ cấu của Quốc hội có gần 70% là đại biểu kiêm nhiệm, nên việc họp trực tuyến còn giúp các đại biểu kiêm nhiệm thuận lợi hơn trong giải quyết các công việc ở địa phương vừa tham gia họp Quốc hội. Bên cạnh đó, khi các Đoàn đại biểu Quốc hội họp trực tuyến tại địa phương, công tác thông tin tuyên truyền, việc tiếp cận thông tin của người dân đối với hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp được thực hiện tốt hơn.

Việc họp trực tuyến cũng góp phần tiết kiệm một số chi phí, như vé máy bay, tàu xe, ăn nghỉ, đưa đón, in ấn, chuyển phát tài liệu… không chỉ với đại biểu mà cả bộ máy giúp việc, nhất là khi cân đối ngân sách còn rất khó khăn, đặt ra yêu cầu thực hành tiết kiệm một cách thực chất ở mọi cấp, mọi ngành và lĩnh vực.

Ngoài ra việc bố trí kỳ họp thành hai đợt trực tuyến và trực tiếp và giữa hai đợt họp có khoảng thời gian 1 tuần ở giữa là một kinh nghiệm tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi để UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết, thông qua. Các vị đại biểu Quốc hội cũng có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, tham khảo chuyên sâu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động của các chính sách để chuẩn bị tốt ý kiến tham gia thảo luận, xem xét, quyết định tại đợt 2.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Quốc hội cũng đòi hỏi nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ các phiên họp toàn thể của Quốc hội để đảm bảo việc cung cấp, trao đổi thông tin về hoạt động của Quốc hội theo quy định của pháp luật là xu hướng tất yếu. Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ gắn với tăng cường trách nhiệm sử dụng và khai thác hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu, phần mềm của đội ngũ cán bộ nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của ĐBQH tại Văn phòng Quốc hội sẽ bảo đảm chủ động trao đổi thông tin qua hệ thống mạng để nâng cao hiệu quả công việc, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, phải tăng cường năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao hỗ trợ kỹ thuật cho các phiên họp toàn thể của Quốc hội do việc đổi mới quy trình cùng với áp dụng công nghệ cao trong các phiên họp toàn thể của Quốc hội sẽ dẫn tới sự thay đổi về cơ cấu nguồn nhân lực và cách thức hỗ trợ kỹ thuật cho ĐBQH và Quốc hội. Các ĐBQH cũng cần cập nhật kiến thức, kỹ năng thích ứng, ứng dụng công nghệ, sáng tạo trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của mình. Ứng dụng công nghệ và thay đổi quy trình cũng sẽ đặt ra yêu cầu, thách thức trong bố trí lại nguồn nhân lực của Văn phòng Quốc hội cho phù hợp.

Đổi mới các phiên họp toàn thể của Quốc hội trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm các nguồn lực của xã hội là việc làm cần thiết và thường xuyên./. 

Bảo Yến