Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP), trong đó khoàn 4 Điều 67 quy định trách nhiệm của Chính phủ: “Quy định chế độ báo cáo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổng hợp báo cáo Quốc hội kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm tại kỳ họp đầu năm sau”.
Thực hiện quy định của Luật THTK,CLP, để chuẩn bị cho việc báo cáo Quốc hội khóa XV ở Kỳ họp thứ nhất, tại phiên họp thứ 56, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả THTK,CLP năm 2020. Chính phủ đã báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành và một số kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên và hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Một trong những tồn tại được chỉ ra đó là vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo THTKCLP.
Trước đó, trong năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có phê bình, nhắc nhở việc chấp hành quy định của Luật THTKCLP. Tuy nhiên đến nay hạn chế này vẫn còn tồn tại.
Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, một số đơn vị đến tháng 4/2020, tháng 5/2020 mới ban hành Chương trình THTK,CLP. Có thể kể đến như Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 13/4/2020; Ngân hàng phát triển Việt Nam ngày 07/4/2020; Bắc Ninh ngày 20/4/2020; Đà Nẵng ngày 09/4/2020; Hà Nam ngày 07/4/2020; Lâm Đồng ngày 06/4/2020; Phú Yên ngày 28/5/2020; Vĩnh Long ngày 22/4/2020; Hà Tĩnh ngày 17/9/2020; Hải Phòng ngày 03/4/2020; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ngày 14/4/2020; Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam ngày 29/5/2020; Hậu Giang ngày 14/5/2020; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội ngày 25/5/2020; Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 27/4/2020; Đồng Nai ngày 11/6/2020; Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ngày 26/5/2020; Tiền Giang ngày 04/5/2020…
Thậm chí khi Chính phủ tổng hợp Báo cáo còn 2/63 địa phương (Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh) chưa gửi báo cáo kết quả THTK,CLP; một số báo cáo còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả THTK,CLP; một số bộ, ngành chưa thực hiện chấm điểm theo quy định như Bộ Công thương, Kế hoạch – Đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Văn hóa thể thao và du lịch, VPCP, Thông tấn xã Việt Nam,…
Báo cáo THTK,CLP năm 2019 của Chính phủ đặt ra nhiều mục tiêu nhưng báo cáo năm 2020 chưa tổng kết, đánh giá kết quả đạt được như: Phấn đấu huy động tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Phấn đấu giảm tối thiểu 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với bình quân giai đoạn 2011- 2015…Tuy nhiên một số báo cáo không nêu cụ thể số liệu, chưa đánh giá so sánh với chỉ tiêu đề ra năm 2019. Một số đánh giá còn chung chung, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, báo cáo kết quả THTK,CLP.
Nhấn mạnh lại tồn tại này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng điều này thể hiện tính hình thức trong việc lập chương trình hành động và tính hình thức trong việc làm báo cáo. Tính hình thức này thể hiện ở việc chậm lập chương trình hành động. Nếu như chương trình hành động của Chính phủ lập rất sớm từ tháng 1/2020 nhưng các cơ quan khác có đơn vị đến tháng 6 mới ban hành, còn nhiều đơn vị ban hành tháng 4, tháng 5, ví dụ như Tập đoàn Bưu chính viễn thông ngày 25/5 mới ban hành, Đồng Nai thì 11/6 mới ban hành, Viện hàn lâm khoa học Việt Nam ngày 29/5 mới ban hành. Đáng lưu ý là có đơn vị 17/9/2020 mới ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đến tháng 9 mới ban hành chương trình hành động thì là quá hình thức.
Trong khi đó, tính hình thức của một số báo cáo là không có số liệu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng cách làm báo cáo và kỷ luật báo cáo như vậy là không nghiêm và cũng xảy ra ở nhiều loại báo cáo. Do đó, Chính phủ phải cố gắng và phải phê bình nghiêm khắc những đơn vị lập chương trình THTK,CLP.
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần phải tiếp tục chỉ đạo rà soát kế hoạch THTK,CLP và phải có kế hoạch rất sớm, nếu lập kế hoạch muộn sẽ không có ý nghĩa. Ở từng ngành, từng địa phương, cơ sở, đơn vị và tất cả các khâu, các lĩnh vực đều cần có kế hoạch THTK,CLP. Tổng Thư ký Quốc hội cùng cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở từng ngành, địa phương để chỉ ra các bất cập rồi trên cơ sở đó có các giải pháp khắc phục. Đồng thời, cần phải quy định chế tài cụ thể để xử lý vi phạm về công tác này, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cũng như khen thưởng và công tác cán bộ liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới có thể làm chuyển biến tình hình.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã được đạt được nhiều kết quả tích cực và tiến bộ hơn năm 2019 trên mọi mặt của đời sống xã hội. Ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng cao, đảm bảo sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng còn những hạn chế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề. Trong đó, yêu cầu Chính phủ rà soát kỹ, đối chiếu với Quyết định số 166 ngày 23/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình THTK,CLP năm 2020 để hoàn thiện, bổ sung Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, chỉ rõ các bộ, ngành, địa phương, các điển hình, các mô hình, kết quả nổi bật, thực hiện tốt, nhất là các địa phương đã tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch hiệu quả và tỷ trọng chi đầu tư phát triển cao, các địa phương thực hiện chưa tốt, kết quả cụ thể đã tiết kiệm được hoặc kết quả thực hiện so với từng chỉ tiêu trong Quyết định 166./.