NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC

31/05/2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được tổ chức thành công trên toàn quốc. Đây là tiền đề quan trọng, hứa hẹn một nhiệm kỳ triển vọng đối với các cơ quan dân cử. Đối với Quốc hội khóa XV, việc kế thừa và phát huy các kết quả đạt được của nhiệm kỳ trước vừa là lợi thế vừa thách thức, trong đó có việc nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cùng với chức năng lập pháp và chức năng giám sát tối cao, Quốc hội còn thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các văn băn liên quan, nội dung quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước gồm: Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội; Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Quốc hội quyết định các vấn đề về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước và về địa giới hành chính; Quốc hội quyết định đại xá; Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân.

Những vấn đề quan trọng của đất nước do Quốc hội quyết định cũng là căn cứ cho việc thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, từ nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước đến các chính sách cơ bản về kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Phiên họp toàn thể hội trường tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội khóa XIV đã để lại nhiều dấu ấn với hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Có thể kể đến như quyết định dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức; gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan; tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) tại Hà Nội; phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu; phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu; phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào; phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia… Lần đầu tiên, Quốc hội có Nghị quyết riêng về vấn đề dân tộc; theo đó, Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Năm 2019, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41) nhiệm kỳ 2019-2020, tiếp tục khẳng định vai trò của Quốc hội Việt Nam trên diễn đàn Tổ chức liên minh nghị viện ASEAN, tiếp tục khẳng định vị thế, tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Việc Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã dần đi vào nề nếp, nhiều hoạt động quyết định của Quốc hội đã trở thành công việc mang tính định kỳ với quy trình rõ nét; ngày càng có chất lượng, giảm dần tính hình thức, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội.

Các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước là căn cứ bước đầu để hoàn thiện các nội dung về chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, vừa chặt chẽ, vừa tạo sự linh hoạt cần thiết cho các cơ quan nhà nước khác thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

Những vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian qua đã cho thấy tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, khẳng định Quốc hội đã ngày càng gần dân hơn và bám sát hơn thực tiễn của đất nước. Đặc biệt, có những vấn đề chưa được quy định rõ, chưa từng có tiền lệ nhưng tác động lớn đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước đã được nhiều cử tri đòi hỏi phải được sự xem xét, quyết định của Quốc hội. Điều này cho thấy sự tín nhiệm, tin tưởng ngày một cao của nhân dân đối với Quốc hội, khẳng định rõ nét vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Tuy nhiên, tổ chức hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại các kỳ họp Quốc hội vẫn còn những hạn chế vướng mắc nhất định. Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội quy định Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ quốc gia nhưng ngoài việc quyết định chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng thì cho đến nay, Quốc hội vẫn chưa có quyết định nào về chính sách tiền tệ quốc gia cụ thể ở tầm chiến lược nên ảnh hưởng của Quốc hội đối với những vấn đề về chính sách tiền tệ ở tầm chiến lược còn hạn chế. Một số nội dung quyết định vấn đề quan trọng của đất nước kéo dài nhiều năm, trong khi quyết định phân bổ ngân sách lại theo hàng năm hoặc trung hạn nên thiếu gắn kết giữa chính sách về vấn đề quan trọng và chính sách phân bổ cụ thể; thực tế có nhiều công trình không được phân bổ vốn theo đúng tiến độ, dở dang kéo dài, kém hiệu quả.

Các vấn đề quan trọng của đất nước thường có nội dung phức tạp, nhiều vấn đề liên quan đến chuyên môn sâu, mang tính kỹ thuật cao, hàm lượng thông tin, dữ liệu đồ sộ, một số nội dung mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, liên quan đến trách nhiệm theo dõi, quản lý của nhiều cơ quan, là thách thức không nhỏ với các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra, cho ý kiến phản biện về các nội dung quyết định thuộc thẩm quyền Quốc hội. Trong khi đó, phần lớn đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm ở các cơ quan, địa phương nên khó có điều kiện tham gia sâu, đầy đủ các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chưa cụ thể, rõ ràng, chưa đủ để phát huy hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Mặt khác, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế đang phát triển, có độ mở lớn, quan hệ kinh tế - xã hội biến chuyển khá năng động và nhanh chóng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp khó lường nên nhiều vấn đề xã hội và quản lý xã hội cũng như các vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại mới liên tục nảy sinh, từ đó đặt ra ngày càng nhiều hơn các nhiệm vụ cho Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề chưa có tiền lệ, chưa có khung khổ pháp lý quy định cụ thể.

Trong khi đó, một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao; nội dung tổng kết thực tiễn, phân tích, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị vẫn còn hình thức; một số nội dung chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan của Chính phủ dẫn đến khó khăn, bị động trong thẩm tra, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp; vẫn còn tình trạng chậm gửi hồ sơ tài liệu và việc bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng sát kỳ họp gây khó khăn, áp lực trong việc chuẩn bị, tiến hành kỳ họp cũng như trong việc nghiên cứu, tham gia ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như cho thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại kỳ họp Quốc hội, đòi hỏi một số giải pháp liên quan đến bảo đảm các điều kiện chung cho hoạt động của Quốc hội như: nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Quốc hội; đề cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội các vấn đề quan trọng của quốc gia; kiện toàn tổ chức và nhân sự của Quốc hội, nâng cao năng lực của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; năng lực tham mưu của các Vụ trực tiếp tham mưu, phục vụ cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Vụ phục vụ chung và văn phòng các Đoàn đại biểu Quốc hội; phát huy dân chủ, tăng cường sự tham gia trực tiếp của nhân dân vào quá trình quyết định của Quốc hội…

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đi đôi với đổi mới phương thức tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội trong công tác quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Rà soát, chuẩn hóa các quy định về trình tự, thủ tục, hình thức xem xét, cho ý kiến, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội tại các luật có liên quan và Nội quy kỳ họp Quốc hội; tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng: xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và vai trò của các đại biểu Quốc hội; quy định rõ sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra các báo cáo, dự án liên quan đến các vấn đề quan trọng quốc gia; quy định trách nhiệm tổ chức, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hoạt động thẩm tra, cách thức tổ chức, điều hành, thảo luận tại kỳ họp Quốc hội. Một số vấn đề mặc dù được trình bày chung trong Báo cáo kinh tế - xã hội nhưng cũng cần được thảo luận riêng như các vấn đề văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... để bảo đảm chiều sâu trong thảo luận và quyết định tương xứng với tầm quan trọng của các vấn đề này. Bố trí thời gian hợp lý để Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua các quyết định, bảo đảm để đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin, có đủ thời gian nghiên cứu nắm chắc vấn đề trước khi quyết định

Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho hoạt động của Quốc hội về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan thực hiện các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc chia sẻ thông tin, thực hiện các nội dung công tác và đặc biệt là trong quá trình lập, thẩm định, thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thảo luận và biểu quyết đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.

Chú trọng, tăng cường hoạt động giám sát nhất là hoạt động giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, hoạt động chất vấn và giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành sau chất vấn, hoạt động giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, thì hiệu lực pháp lý của các nghị quyết của Quốc hội đối với các cơ quan nhà nước khác mới được khẳng định, vai trò thực tế của Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mới được nâng tầm, hoạt động quyết định của Quốc hội mới ngày càng đi vào thực chất. Qua giám sát sẽ phát hiện kịp thời những bất cập trong việc triển khai thực hiện để kịp thời kiến nghị các giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, yếu kém để thực hiện tốt hơn hoặc kiến nghị điều chỉnh các nội dung khi cần thiết./.

Bảo Yến