.jpg)
Toàn cảnh Hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo về những vấn đề chung thẩm tra tài chính, ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Hoàng Quang Hàm cho biết, nội dung thẩm tra các dự án, dự thảo Luật, Nghị quyết về tài chính, ngân sách cũng tương tự như nội dung thẩm tra các dự án, dự thảo Luật, nghị quyết thuộc các lĩnh vực khác phải tập trung vào các vấn đề sau: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản; Nội dung của dự thảo văn bản và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; việc giao và chuẩn bị văn bản quy định chi tiết (nếu có); Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tính khả thi của các quy định trong dự thảo văn bản; Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm tra yêu cầu cơ quan trình dự án, dự thảo báo cáo về những vấn đề liên quan đến nội dung dự án, dự thảo.
Cách thức thẩm tra thường theo các bước công việc sau: Nghiên cứu, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến nội dung, vấn đề cần thẩm tra; Thu thập, nghiên cứu, đánh giá số liệu, tình hình trong các báo cáo của Chính phủ, các tài liệu liên quan; nghiên cứu có bộ câu hỏi để thu thập thông tin, số liệu, tình hình phục vụ thẩm tra; Áp dụng các phương pháp cơ bản sau để có ý kiến thẩm tra: Tổng hợp, phân tích, so sánh, đối chiếu…Cần thiết có thể tổ chức các phiên giải trình để làm rõ các nội dung cần đi sâu thẩm tra.
Đối với việc giám sát về tài chính, ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Hoàng Quang Hàm cho biết, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của nhà nước, trong đó có hoạt động tài chính, ngân sách nhà nước. Thông qua hoạt động giám sát về tài chính - ngân sách, Quốc hội xem xét, đánh giá việc tuân thủ pháp luật tài chính, tính hiệu lực, hiệu quả và tính thực tiễn của các chủ trương, giải pháp, chính sách tiền tệ; xem xét, đánh giá tình hình chấp hành ngân sách, kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách. Kết quả giám sát ngân sách nhà nước (NSNN) chỉ ra mức độ chấp hành, tuân thủ pháp luật, quy chế, chính sách quản lý tài chính của Nhà nước; tính hợp lý của cơ cấu NSNN; khả năng thu của NSNN; các nguồn kinh phí, nhiệm vụ chi của NSNN; khả năng huy động các nguồn vốn ngoài NSNN...
Bản chất của giám sát tài chính, ngân sách là kiểm tra - đánh giá tình trạng tài chính quốc gia và NSNN như mức độ chấp hành, tuân thủ pháp luật, quy chế, chính sách; tiềm lực và mức độ lành mạnh của nền tài chính quốc gia; quy mô, cơ cấu thu, chi NSNN. Đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội là mọi cơ quan nhà nước, mọi tổ chức và mọi công dân. Giám sát tài chính, ngân sách của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước, nhằm mục đích phát hiện và xử lý những vấn đề nảy sinh trong quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách; xem xét và đánh giá về trách nhiệm pháp lý đối với những đối tượng bị giám sát; bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật pháp, các chế độ, tiêu chuẩn định mức chi NSNN; xem xét, đánh giá hiệu quả, tác động của tài chính, ngân sách đối với sự phát triển kinh tế, xã hội; thu thập ý kiến, thông tin, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri về pháp luật, phương thức điều hành... Từ đó, nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách và pháp luật về NSNN, điều chỉnh phương thức điều hành NSNN cho phù hợp.
.jpg)
Các nữ ứng cử viên tham dự hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng cho rằng, mục tiêu giám sát tài chính, ngân sách nhằm làm cho các hoạt động quản lý tài chính, ngân sách của các cấp chính quyền đúng qui định của pháp luật, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của quốc gia và của từng địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Hoàng Quang Hàm và các đại biểu cũng cho biết, các hình thức giám sát về tài chính, ngân sách gồm: Nghe và đánh giá báo cáo; Chất vấn và yêu cầu giải trình tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Tổ chức đoàn giám sát chung, giám sát chuyên đề, giám sát đột xuất; Cử thành viên Đoàn giám sát đi xác minh các vấn đề tài chính, ngân sách; Xem xét, xử lý các kiến nghị của cử tri.
Theo chia sẻ của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Hoàng Quang Hàm và các đại biểu, quy trình giám sát đối với các đoàn giám sát về NSNN gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1, chuẩn bị giám sát: Cần xác định nội dung cần giám sát; Xác định đối tượng giám sát; Xác định thẩm quyền giám sát phù hợp với chủ thể giám sát; Xác định các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giám sát; Xác định hình thức giám sát phù hợp (đi thực tế, nghe báo cáo hoặc kết hợp cả hai, có thể chất vấn các vấn đề đoàn giám sát phát hiện tại các phiên họp, kỳ họp…); Xác định địa điểm giám sát; Thu thập, nghiên cứu thông tin về đối tượng chịu sự giám sát; Quyết định thành lập đoàn và kế hoạch giám sát; Gửi công văn thông báo cho đối tượng chịu sự giám sát, chuẩn bị công việc hành chính, hậu cần; Nghiên cứu tài liệu.
Giai đoạn 2, tiến hành giám sát: Có thể làm việc với đơn vị chịu sự giám sát chính sau đó đi khảo sát thực tế; hoặc đi khảo sát thực tế, làm việc với cơ sở, đơn vị trực tiếp sau đó mới làm việc với đơn vị chịu sự giám sát chính. Mỗi cách thức có ưu nhược điểm khác nhau nên tùy tình hình thực tế để lựa chọn cách thức phù hợp. Sau đó nghe đối tượng chịu sự giám sát báo cáo; thành viên đoàn giám sát đặt câu hỏi hoặc phát biểu ý kiến; đại diện đối tượng chịu giám sát trả lời, làm rõ các vấn đề đoàn giám sát quan tâm. Tiếp đó, sẽ xử lý các vấn đề phát sinh và điều chỉnh hoạt động giám sát như mở rộng hay thu hẹp phạm vi giám sát, thay đổi thành phần, nội dung, địa điểm giám sát.
Giai đoạn 3, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát: Mục đích nhằm bảo đảm hiệu quả của công tác giám sát, tránh hình thức; nâng cao trách nhiệm của cơ quan tiến hành giám sát; nâng cao hiệu quả hoạt động, tính tuân thủ pháp luật của cơ quan chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức có liên quan đến kiến nghị giám sát; góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý NSNN.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, đối với giám sát chuyên đề, thường tập trung vào vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, được dư luận và xã hội quan tâm. Đây là hình thức giám sát thường xuyên của các cơ quan của Quốc hội. Tuy nhiên, do các chuyên đề giám sát có tính chuyên môn sâu nên giám sát về lĩnh vực tài chính, ngân sách chủ yếu được thực hiện bởi Ủy ban Tài chính và Ngân sách với hai hình thức đó là giám sát chung và giám sát chuyên đề.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Hoàng Quang Hàm và các đại biểu nêu rõ, trên cơ sở nắm kỹ những vấn đề chung về thẩm tra, giám sát tài chính, ngân sách, các ứng cử viên sẽ tự xây dựng cho mình những kỹ năng nhất định về vấn đề này. Nếu trúng cử, các ứng cử viên sẽ đảm bảo thực hiện được trách nhiệm được Quốc hội giao; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban mà mình là thành viên./.