Xác định quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai
Thảo luận Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi), đa số ý kiến phát biểu tán thành việc ban hành luật, nhằm khắc phục những bất cập của Luật Ðất đai hiện hành.
Nhiều ý kiến phát biểu tán thành với quy định trong dự thảo luật tiếp tục xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đất đai. Các đại biểu Hà Sỹ Ðồng (Quảng Trị), Lù Thị Lừu (Lào Cai) cho rằng, mặc dù xác định đất đai do Nhà nước quản lý, nhưng dự án luật chưa xác định rõ và đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý đất đai. Thực tế cho thấy, hiện nay đất đai do nhiều ngành, nhiều cấp quản lý, nên có lúc, có nơi bị buông lỏng, dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. Bên cạnh đó, hiện nay đang tồn tại nhiều chế độ sử dụng đất, gây khó khăn trong công tác quản lý. Do vậy, luật cần đưa ra những quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đất đai và xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc ký quyết định cấp đất, thu hồi đất, cho thuê đất.
Nhiều ý kiến phát biểu đề cập công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), Huỳnh Thành (Gia Lai), Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, dẫn đến sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, lãng phí, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Do vậy, cần xem xét lại công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm sử dụng đất hiệu quả. Các đại biểu này cũng tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm ba cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đồng thời đề nghị cần có cơ chế để cấp xã giám sát công tác lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, không nên bỏ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã, vì cấp xã cũng có nhu cầu quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch của huyện, các xã sẽ quy hoạch để phát triển kinh tế địa phương (Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình, Nguyễn Thị Hải - Nghệ An).
Nhiều ý kiến đề nghị, cần nâng cao tính liên thông trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giữa các tỉnh, các huyện, tạo sự phát triển tổng thể, tránh sự manh mún, chia cắt quy hoạch tại mỗi địa phương như hiện nay. Cùng với đó, việc quy hoạch cần công khai, minh bạch để người dân quản lý, giám sát, khắc phục tình trạng một số cán bộ biết trước quy hoạch để trục lợi, thay đổi mục đích sử dụng đất. Ðại biểu Thân Ðức Nam (Ðà Nẵng) cho rằng, các quy định của pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, dẫn đến thị trường bất động sản phát triển méo mó. Do vậy, luật cần có những quy định nhằm hoàn thiện thị trường bất động sản.
Bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi
Các quy định liên quan việc bảo đảm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi phục vụ các dự án phát triển được nhiều đại biểu góp ý kiến. Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài thời gian qua chủ yếu liên quan đến công tác thu hồi đất. Do vậy, Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi) cần đưa ra bước đột phá nhằm giải quyết những vấn đề đang gây bức xúc hiện nay trong công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng. Các đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương), Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, do chưa có khung giá chung, nên việc áp dụng mức đền bù, hỗ trợ người dân trong công tác thu hồi đất thực hiện thiếu thống nhất, mỗi địa phương áp dụng một giá, gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tạo điều kiện cho người dân ổn định đời sống vẫn mang tính hình thức và chủ yếu hỗ trợ bằng tiền, khiến đời sống của người dân có đất bị thu hồi gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Nhà nước cần xây dựng giá đất thống nhất, sát với thị trường và thực hiện trong thời gian năm năm, khi giá đất trên thị trường biến động từ 20% trở lên, UBND cấp tỉnh sẽ điều chỉnh giá đất này. Bên cạnh đó, việc định giá đất để bồi thường cho người sử dụng đất phải theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi, có tính đến công sức đầu tư của người sử dụng đất. Ngoài giá đất bồi thường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ổn định đời sống, việc làm cho người có đất bị thu hồi. Tốt nhất nên ưu tiên tái định cư tại chỗ và tạo điều kiện tối đa cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong tạo việc làm mới, ổn định đời sống, tránh tình trạng di dân tự do, đồng thời nghiên cứu lập Quỹ hỗ trợ người có đất bị thu hồi.
Các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Tôn Thị Ngọc Hạnh (Ðác Nông) đồng tình với nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong việc thu hồi đất. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ các dự án phục vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng các công trình công cộng với các dự án thương mại để đưa ra mức đền bù hỗ trợ phù hợp, tránh tình trạng các dự án tính chất khác nhau, nhưng giá đền bù giống nhau. Nhiều đại biểu đồng tình với quy định, giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Nguyên tắc giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Liên quan quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, một số đại biểu cho rằng, dự án luật quy định, "Nhà nước xem xét đền bù, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi" là không hợp lý. Vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nên đối với những người được Nhà nước giao quyền sử dụng đất hợp pháp khi bị thu hồi thì việc Nhà nước đền bù, hỗ trợ là quyền lợi chính đáng của người dân. Do vậy, cần quy định, khi người dân đang sử dụng đất hợp pháp bị thu hồi, Nhà nước phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ cho người dân thay vì Nhà nước "xem xét" để đền bù, hỗ trợ. Nhiều ý kiến đề nghị phải coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản (Lê Văn Lai - Quảng Nam, Nguyễn Thị Hải - Nghệ An, Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa).
Giao đất nông nghiệp bảo đảm ổn định lâu dài
Nhiều đại biểu tán thành quy định nâng mức hạn điền lên nhiều nhất 5 ha và tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lên 50 năm như trong dự thảo luật. Các đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, việc nâng mức hạn điền và tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Ðề cập vấn đề này, đại biểu Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, hiện nay còn hơn 300 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất. Ðối với các hộ có đất ở, đất sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực để phát triển sản xuất do chính sách về đất đai còn nhiều bất cập. Ðại biểu này kiến nghị, luật cần quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trong việc có đất ở, đất sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Ðại biểu Y Mửi (Kon Tum) đề nghị, việc sửa đổi luật cần bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ðại biểu này cho rằng, việc quản lý, sử dụng đất nông trường, lâm trường là vấn đề lớn, đang được nhiều người quan tâm và từ đây cũng nảy sinh nhiều bức xúc trong dân. Trong thời gian qua, việc thu hồi loại đất này để giao cho người thiếu đất sản xuất thực hiện chậm, đạt tỷ lệ thấp.
Nhiều ý kiến đề nghị, sửa đổi Luật Ðất đai lần này cần bảo đảm thống nhất với các quy định của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vì trong dự thảo hai văn bản này có một số quy định chưa thống nhất. Mặt khác, việc sửa đổi Luật Ðất đai cũng phải bảo đảm sự thống nhất với một số luật hiện hành có liên quan. Nhiều ý kiến đề nghị, QH cần đưa dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.