Hội nghị Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khu vực về quản lý rủi ro thiên tai

20/11/2012

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Bộ NN và PTNT tổ chức Hội nghị Chia sẻ kinh nghiêm quốc tế và khu vực về quản lý rủi ro thiên tai. Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng và Bộ trưởng Bộ NN và PTNN Cao Đức Phát đồng chủ trì.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các tham luận chia sẻ, đề cập đến vấn đề nâng cao công tác phòng tránh thiên tai và nâng cao nhận thức của người dân về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, như: tham luận về hợp tác toàn cầu của các nghị sỹ và kinh nghiệm của Bangladesh trong quá trình xây dưng luật quản lý rủi ro thảm họa; tham luận về hợp tác khu vực về quản lý thảm họa và kinh nghiệm thực tiễn và bài học kinh nghiệm của Indonesia trong quá trình thực hiện luật; tham luận về mô hình hệ thống tổ chức phòng tránh thiên tai của một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Mỹ. Đồng thời, Hội nghị cũng tiến hành trao đổi giữa các ĐBQH với các chuyên gia quốc tế về các vấn đề liên quan đến rủi ro; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những kết quả đạt được; những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm hoạt động trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, tránh rủi ro trong thời gian tới.

Ngoài ra, hội nghị cũng cho biết, hiện tại trong lĩnh vực phòng chống thiên tai nói riêng và thảm họa nói chung ở Việt Nam còn tồn tại chồng chéo nhiều đầu mối, kiêm nhiệm của các cơ quan hoạt động. Riêng đối với công tác phòng chống thiên tai, cơ cấu tổ chức ở cấp trung ương đang bộc lộ nhiều hạn chế. Để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn thiên tai ngày càng gia tăng về số lượng và cường độ, các tổ chức này đã được giao thêm những nhiệm vụ và trọng trách mới. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức lại chưa được kiện toàn và nâng cấp lên đúng tầm, các cán bộ thực hiện vẫn còn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm trong điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị còn nhiều hạn chế.

Trong bối cảnh dự thảo Luật Quản lý rủi ro thảm họa đang được hoàn tất, cuộc đối thoại này diễn ra rất kịp thời và có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt khi các loại rủi ro mới và những loại hình rủi ro thảm họa khó lường đã xuất hiện ở Việt Nam, có nguy cơ gây tổn hại tới những thành quả phát triển mà Việt Nam đã dày công đạt được trong những năm qua.

 

Hoa Lê

(http://daibieunhandan.vn)