Mục đích của hội thảo là tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan QH, các cơ quan của Chính phủ và các ĐBQH, các thầy, cô giáo, các chuyên gia và nhà quản lý giáo dục đại học đánh giá cơ chế, chính sách tự chủ tài chính hiện hành đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Qua đó, xây dựng được một cơ chế tài chính phù hợp nhằm mục tiêu xây dựng một nền giáo dục hiện đại, chất lượng, hiệu quả và công bằng phù hợp với xu thế phát triển phổ biến trên thế giới như đã được quy định trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm thành công về việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2008 – 2012. Trao đổi những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp chính sách nhằm mở rộng hơn nữa việc giao quyền tự chủ về tài chính gắn với tự chịu trách nhiệm; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về nội dung Đề án thí điểm đặt hàng đào tạo và Đề án thí điểm việc mở rộng quyền tự chủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với nhóm các cơ sở giáo dục đại học công lập có đào tạo các chuyên ngành có nhu cầu cao trên thị trường. Qua đó, bổ sung cơ sở lý luận và bằng chứng từ thực tiễn để hoàn thiện Đề án thí điếm Nhà nước thực hiện đặt hàng cung ứng dịch vụ đào tạo đối với một số ngành nghề khó tuyển sinh, Nhà nước có nhu cầu cao, chủ yếu phục vụ cho việc quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công. Góp phần tăng cường sự đồng thuận trong xã hội và các cơ sở giáo dục đại học về sự cần thiết phải tái cơ cấu nguồn lực tài chính công cho phát triển đại học. Đề xuất cho các cơ sở giáo dục đại học công lập được áp dụng cơ chế học phí mới phù hợp với chất lượng điều tra, nhất là đối với một số chuyên ngành được xã hội quan tâm nhiều.
Cơ chế tài chính đã tạo ra động lực quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc nâng cao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm trong việc khai thác, phát huy với các tiểm năng về cơ sở vật chất, tài sản, đội ngũ giáo viên với quy mô đa dạng hóa các loại hình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, tăng nguồn tại chính cho nhà trường, tăng cường tái cơ cấu đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao thu nhập, cải thiện cho người lao động… Tuy vậy, thực tế cho thấy bên cạnh những thành quả tích cực mang lại, cơ chế tài chính hiện nay đối với giáo dục đại học vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới cho phù hợp với các chủ trương, định hướng về phát triển KT – XH trong giai đoạn mới.