Thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi bộ luật có tầm quan trọng đặc biệt này, các đại biểu đề cao mục tiêu giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư khi sửa đổi Luật Đất đai.
Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần quy định đầy đủ hơn nữa quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhất là điều kiện thực hiện các quyền; đảm bảo việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai.
Đảm bảo tính thống nhất khi sửa đổi Luật Đất đai và Hiến pháp
Nhấn mạnh đến nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, khi sửa đổi Luật Đất đai, vấn đề người dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp vẫn phải được coi là nguyên tắc quan trọng như sửa đổi Hiến pháp 1992.
Để thực hiện điều này, đại biểu Cường đề nghị cần đảm bảo thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân trong việc tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc này sẽ góp phần tránh lợi ích nhóm.
Cùng với đó, theo đại biểu, công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất thiết phải có ý kiến người dân.
Phản ánh những sự kiện pháp lý bình thường, diễn ra liên tục trên thực tế như việc cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng, tặng, cho đất đai, các đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) đề nghị thẳng thắn, dự thảo Luật nên tiến tới công nhận quyền sử dụng đất đai như một quyền sở hữu về tài sản đối với người dân tương tự như với quyền về tài sản đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự.
Đề cập đến tầm quan trọng của việc sửa đổi bộ luật có liên quan đến nhiều mặt của đời sống dân sinh này, các đại biểu cho rằng, dự thảo sửa đổi đang được chuẩn bị cùng với thời gian chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp của Luật Đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp (sửa đổi), đồng thời có thêm thời gian nghiên cứu các vấn đề liên quan một cách thấu đáo, cần tranh thủ tối đa các ý kiến đóng góp của các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà khoa học, nhà quản lý và đông đảo người dân.
Cần thống nhất phương pháp tính giá đất
Rất nhiều ý kiến băn khoăn với quy định trong dự thảo khi xác định giá đất “phù hợp với giá thị trường”. Các đại biểu lập luận, quy định như vậy là quá khó khăn trong việc áp dụng trên thực tế.
Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) lo lắng: Quy định đất “phù hợp với giá thị trường" vẫn rất “mờ mờ, chưa sáng rõ.” Cho rằng đây là mấu chốt của công tác quản lý đất đai, nguyên nhân của các khiếu kiện liên quan đến đất đai, đại biểu kiến nghị cần phải quy định cụ thể hơn về cơ quan, đơn vị xây dựng giá, cơ quan thẩm định giá khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất.
Hoan nghênh những điểm mới, tiến bộ trong dự thảo sửa đổi, tuy nhiên, cũng chưa hài lòng với quy định về phương pháp định giá đất, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt câu hỏi: Quy định “phù hợp với giá thị trường" là trong điều kiện bình thường hay bất thường bởi tại nhiều thời điểm thu hồi đất, giá đất đã bị “thổi” lên rất cao? Cần quy định chi tiết phương pháp định giá đối với từng loại đất: Nông nghiệp, đất ở, đất rừng để đảm bảo tính khả thi - đại biểu kiến nghị.
Cùng quan điểm này, các đại biểu: Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) và nhiều đại biểu khác kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp thu, làm rõ hơn nữa khái niệm “phù hợp với giá thị trường” trong xác định giá đất.
Nên hạn chế các trường hợp “thu hồi đất”
Buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị nên hạn chế các trường hợp Nhà nước tiến hành “thu hồi đất”.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị, cần xem xét thêm về thuật ngữ “thu hồi đất” và kiến nghị nên sử dụng “trưng mua quyền sử dụng đất” vì quyền sử dụng đất là quyền tài sản và cũng được coi là tài sản theo quy định của Bộ Luật dân sự.
Đại biểu Phong cũng cho rằng, cần cân nhắc mục đích thu hồi đất đi đôi với cơ chế thu hồi; phân định giữa các trường hợp mục đích thu hồi đất khác nhau như: Thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh, thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi để phục vụ dự án phát triển kinh tế-xã hội…
Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) đưa quan điểm nên thu hẹp thẩm quyền thu hồi đất của Nhà nước. Việc thu hồi đất chỉ nên đặt ra đối với những công trình quốc phòng, an ninh. Đối với những trường hợp thu hồi vì mục đích phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội thì chỉ nên coi đó là trưng mua trên cơ sở thương lượng với chủ sử dụng đất là người dân.
Cùng quan điểm, các đại biểu: Nguyễn Thị Hải (Nghệ An), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng như nhiều đại biểu khác kiến nghị việc thu hồi đất chỉ nên giới hạn ở những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, nên đảm bảo quy trình thu hồi đất thực sự minh bạch. Việc đền bù phải đảm bảo thỏa đáng những tổn thất về sinh kế.
Nhiều ý kiến của các đại biểu không tán thành việc kéo dài thời hạn giao đất lên 50 năm như trong dự thảo, cho rằng việc này sẽ gây nhiều tác động xấu đến hậu quả xã hội. Các đại biểu đề xuất việc kéo dài thời hạn giao đất cần phải được tính toán kỹ, chọn lọc đối tượng phù hợp được kéo dài và đảm bảo nghĩa vụ tài chính. Đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ việc giao đất sau thu hồi đất; kiên quyết không để tình trạng hoang hóa đất đai sau khi thu hồi trong khi người dân thiếu đất sản xuất.
Kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi sẽ khắc phục tình trạng văn bản pháp luật đất đai chồng chéo, các đại biểu cũng kiến nghị phải coi trọng công tác phòng chống tham nhũng theo hướng thắt chặt quyền định đoạt đối với các chủ thể có nguy cơ lạm quyền trong quản lý đất đai./.