NHỮNG NỘI DUNG QUAN TRỌNG CẦN QUÁN TRIỆT TRONG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

09/02/2021

Tại tọa đàm trực tuyến “Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật”, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh những lĩnh vực trọng tâm trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và những nội dung cần quán triệt trong Nghị quyết Đại hội.

 

Chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thiết thực kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2021), tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến “Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật”. Tọa đàm nhằm đánh giá bước đầu về kết quả, đặc biệt là những dấu ấn nổi bật của Đại hội XIII; đồng thời gợi mở những vấn đề, nội dung quan trọng trong tổ chức, quán triệt, học tập, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XIII, Trưởng ban Chỉ đạo Tọa đàm Lê Mạnh Hùng.

Tọa đàm tập trung trao đổi xung quanh các vấn đề về những kết quả nổi bật của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; dấu mốc quan trọng trong 91 năm lịch sử vẻ vang của Đảng; lĩnh vực trọng tâm trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và những nội dung cần quán triệt trong Nghị quyết Đại hội.


Toàn cảnh cuộc Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, Tiến sĩ Trần Doãn Tiến- Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Tọa đàm nhấn mạnh: Trong bài diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Ngay sau Đại hội, tất cả các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế…”.

Chủ đề và trọng tâm của Tọa đàm là tuyên truyền những thành công, dấu ấn của Đại hội XIII. Thành công của Đại hội XIII góp phần tô đậm thêm thành tựu, lịch sử vẻ vang của Đảng ta trong 91 năm qua. Đặc biệt là gợi mở những nội dung cốt lõi cần quan tâm trong đợt tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội XIII sắp tới. Để góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Tổ chức rất mong các đại biểu tập trung làm rõ hơn những nhóm nội dung, vấn đề cần tập trung sau:

Một là, những kết quả, thành công, dấu ấn nổi bật của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên tất cả các mặt từ công tác tuyên truyền trước, trong, sau Đại hội; công tác chuẩn bị Văn kiện; công tác nhân sự; công tác tổ chức Đại hội.

Hai là, cùng với những thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta kỷ niệm 91 năm lịch sử vẻ vang của Đảng cũng là dịp để chúng ta tiếp tục ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII là tiếp nối những mốc son lịch vĩ đại của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam.

Ba là, về sự quan tâm, đánh giá của dư luận quốc tế đến Đại hội XIII của Đảng như thế nào? Những điểm mới, cốt lõi trong đường lối đối ngoại của Việt Nam được thể hiện trong Văn kiện sẽ được cụ thể hóa ra sao?

Bốn là, làm rõ những nội dung nổi bật trong các văn kiện: Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khoá XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Chủ trương, quyết sách quan trọng mà Đại hội đã thông qua để định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, toàn diện quá trình triển khai tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, những nội dung trọng tâm trong các văn kiện cần tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt, xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Thành tựu của đất nước trong nhiệm kỳ qua và sau 35 năm đổi mới

Nhìn lại những thành tựu của đất nước ta trong nhiệm kỳ vừa qua và sau 35 năm đổi mới, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đây là kết tinh sự sáng tạo, quá trình phấn đấu bền bỉ, toàn diện của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta qua nhiều kỳ Đại hội. Nhìn lại thành tựu nổi bật của 35 năm đổi mới mà trực tiếp là trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, có thể thấy rất rõ là chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng khá toàn diện và có nhiều dấu ấn nổi bật.

Về kinh tế, từ khủng hoảng sâu sắc, toàn diện đến vượt qua cuộc khủng hoảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vượt ra khỏi tình trạng một nước nghèo kém phát triển. Từ một đất nước bị bao vây, cô lập, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hiện tại chúng ta đã thật sự là bạn của các quốc gia, các cộng đồng, là một thành viên rất có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam đã được nâng cao. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Chúng ta giữ vững được độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong một thế giới có thể nói là đầy biến động, đầy phức tạp. Thay đổi của đất nước rất toàn diện. Điều đáng nói là từ chính sự phát triển toàn diện đó, Việt Nam đã trụ vững trước những sóng gió, những thách thức gay gắt của thời cuộc.


Tiến sĩ Trần Doãn Tiến- Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Tọa đàm.

Đầu những năm 90, mô hình Chủ nghĩa Xã hội của Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Nhiều người gọi đó là cuộc chấn động địa chính trị toàn cầu và nghĩ là Việt Nam chắc là cũng sẽ sụp đổ như vậy nhưng chúng ta không đổ mà còn đứng vững, tiếp tục đổi mới, kiên định trên con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Năm 1997 - 1998, cả khu vực châu Á đã bị tác động rất mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế. Chúng ta cũng vượt qua được cuộc khủng hoảng đó, rồi đến cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu 2008 - 2009, có ý kiến cũng nghĩ là Việt Nam lần này thì chắc là vỡ nợ, chắc là sụp đổ. Thực tế là Việt Nam có gặp khó khăn trong một thời gian nhưng nhanh chóng vượt qua và tiếp tục phát triển. Còn thử thách khắc nghiệt nhất đó là năm 2020, rất nhiều vấn đề: Chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt; xung đột sắc tộc ở một số nơi; đặc biệt là đại dịch COVID-19 làm cho cả thế giới chao đảo.

Trong bối cảnh như thế, chúng ta đã vượt lên và thực hiện được mục tiêu kép, kiềm chế, hạn chế sự tác động của đại dịch COVID-19 ở mức cao nhất có thể, đồng thời ổn định, khôi phục và tiếp tục thúc đẩy  kinh tế phát triển. Chúng ta là một trong số ít đất nước tăng trưởng dương, được đánh giá là một trong 16 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khả quan. Chính hiện thực đó đã nói lên được sức sống của đổi mới, sức sống của con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội, như đồng chí Tổng Bí thư đã nói: Với tinh thần khiêm tốn của người cộng sản, Việt Nam có quyền tự hào nói rằng chưa bao giờ chúng ta có một cơ đồ, một tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay. Đấy là một thực tế sinh động đã chứng minh và được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Những nội dung cần quán triệt trong Nghị quyết Đại hội

Đề cập lĩnh vực trọng tâm trong văn kiện Đại hội lần này và nhấn mạnh những nội dung cần quán triệt trong Nghị quyết Đại hội, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: So với Đại hội XII và các Đại hội trước, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có những bổ sung rất ý nghĩa. Chúng ta nhớ Đại hội XII có nêu phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương và Đổi mới”. Đại hội XIII kế thừa phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương”. Đây là những phương châm mang tính kinh điển. Đại hội nào cũng rất cần có dân chủ để phát huy trí tuệ và Đại hội nào cũng cần giữ cho được kỷ cương.

Tại Đại hội lần này, hai chữ “Đổi mới” và “Sáng tạo - Phát triển” không khác nhau nhưng nó có một tầm vóc mới. Sáng tạo chính là đổi mới ở tầm vóc mới, đổi mới cũng đồng nghĩa với việc tạo ra những giá trị mới, sáng tạo mới. Và sáng tạo để hướng đến sự phát triển toàn diện của đất nước, xã hội, con người. Rõ ràng, chủ đề Đại hội lần này vừa có sự kế thừa, vừa có sự phát triển. Còn chủ đề Đại hội là tư tưởng chủ đạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chúng ta trong 5 năm, 10 năm tới và những chặng đường sắp tới.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, chúng ta đã đi tới thống nhất chủ đề Đại hội, bao hàm đầy đủ cả 5 thành tố: Thành tố về Đảng, dân tộc, thành tố công cuộc đổi mới, thành tố về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thành tố mục tiêu phát triển. Lần này, trong chủ đề vẫn kế thừa 5 thành tố đó, nhưng từng thành tố thì được hoàn thiện và bổ sung thêm những tư tưởng rất mới. 

Về chính trị, trước đây chúng ta nói xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Lần này, chúng ta bổ sung một nội dung rất quan trọng là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch,vững mạnh. Điều này giúp chúng ta nhìn thấy được mối quan hệ biện chứng, thống nhất giữa Đảng và hệ thống chính trị. Đảng trong sạch, vững mạnh là linh hồn, là điều kiện kiên quyết để hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhưng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là điều kiện cần, là chỗ dựa vững chắc để Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là tư tưởng nhận thức rất mới.


 Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (giữa) bày tỏ quan điểm tại cuộc Tọa đàm.

Về vấn đề dân tộc, trước đây, chúng ta nói là phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc rất là quý, nói chung là Đảng và dân tộc - hai yếu tố quyết định. Lần này, vấn đề dân tộc được bổ sung thành tố rất mới, dân tộc bắt đầu từ con người. Nhấn mạnh khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh và hạnh phúc, khát vọng của cộng đồng, của dân tộc là sức mạnh bên trong, to lớn để thúc đẩy dân tộc tiến lên phía trước, không lùi bước trước khó khăn. Trong Văn kiện cũng nhấn mạnh phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết và thêm ý nữa là gắn với sức mạnh thời đại.

Thêm một điều nữa rất quan trọng là hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng cho nên sức mạnh của dân tộc phải gắn với sức mạnh của thời đại. Thành tố dân tộc được hoàn thiện, được bổ sung nhiều, tư tưởng rất mới. Ngoài ra, về mục tiêu phát triển. Trước đây chúng ta thường thống nhất, Đại hội XI, XII phấn đấu để sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, rồi phấn đấu cụ thể hơn là phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Còn Đại hội XIII của Đảng vẫn kế thừa tư tưởng, định hướng đó, nhưng có cái mới là chúng ta bắt kịp xu hướng chung của thế giới.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: Hiện nay, thế giới thường phân chia các quốc gia theo các tiêu chí là quốc gia phát triển, chậm phát triển hay đang phát triển; đánh giá các quốc gia theo mức độ thu nhập: Thu nhập thấp, thu nhập trung bình, thu nhập cao. Lần này, chúng ta vừa tiếp tục tư duy truyền thống về mục tiêu và vừa tiếp thu xu thế chung của thế giới, đưa ra mục tiêu là phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn riêng mục tiêu chung chỉ nói rõ là một nước phát triển thu nhập cao. Đấy là những bổ sung rất quan trọng, thể hiện tư duy mới, nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về con đường đổi mới của đất nước./.

Bích Lan