VIỆC BẦU CHỌN NHÂN SỰ CHO ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG ĐƯỢC TIẾN HÀNH KHÁCH QUAN, CHẶT CHẼ, KỸ LƯỠNG

08/02/2021

Tại tọa đàm trực tuyến “Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật”, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định: Việc bầu chọn cho Đại hội được tiến hành khách quan, hiệu quả theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thật thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa thành công tốt đẹp và đã bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và các chức danh chủ chốtcủa Đảng. Công tác chuẩn bị, lựa chọn và bình bầu nhân sự là vấn đề được các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm. Đây cũng là nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học bàn thảo tại cuộc Tọa đàm trực tuyến “Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.


Toàn cảnh cuộc Tọa đàm.

Tại Nhận định về công tác nhân sự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: Qua theo dõi Đại hội I của Đảng (năm 1935) cho đến Đại hội VI của Đảng đều có ủy viên dự khuyết  của Trung ương. Đại hội I có 3 Ủy viên dự khuyết. Sau này, số ủy viên dự khuyết rất nhiều như Đại hội V, Đại hội VI. Có thể nói, các đồng chí ủy viên dự khuyết được bầu tại các đại hội sau này trở thành những người chính thức và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp của Đảng. Từ Đại hội VII cho đến Đại hội IX thì lại không có ủy viên dự khuyết Trung ương. Thế nhưng, từ Đại hội X tiếp tục có ủy viên dự khuyết. Số ủy viên dự khuyết cũng khá đông từ Đại hội X, XI, XII, XIII cho nên khi nhìn vào Ban Chấp hành Trung ương, số ủy viên dự khuyết như là một thế hệ 2 để chuẩn bị cho lực lượng chính thức. Đây cũng là một cách đào tạo, rèn luyện cán bộ rất ấn tượng.

Còn về Ủy viên Bộ Chính trị dự khuyết, ở Đại hội II có 01 đồng chí, Đại hội III có 02 đồng chí. Đại hội IV có 03 đồng chí dự khuyết, Đại hội V có 02 đồng chí dự khuyết Bộ Chính trị; Đại hội VI có 1 đồng chí ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Từ Đại hội VII trở lại đây thì không có ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Điều đó phản ánh một điều rằng, đối với cơ quan lãnh đạo cao trong Trung ương, các đồng chí cũng cân nhắc xem cần thiết có ủy viên dự khuyết không? Đây cũng là một cách để đánh giá cán bộ và bố trí cán bộ.

Về Đại hội XIII, các đồng chí tham gia Bộ Chính trị khóa XIII gồm 18 đồng chí thì có 8 đồng chí là tái cử Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa XII, trong đó có cả những đồng chí đặc biệt, còn 10 đồng chí mới tham gia Bộ Chính trị lần đầu tiên. Các đồng chí tái cử đều là những người dày dạn kinh nghiệm, trí tuệ, kiểu mẫu về đạo đức và nêu tấm gương sáng trong Đảng và trong dân. Các đồng chí lần đầu tham gia Bộ Chính trị có 10 đồng chí  cũng là những gương mặt rất ấn tượng và mình có thể tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương nói chung và trực tiếp là  Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Các đồng chí bầu vào Ban Bí thư ở Đại hội XII là có 7 đồng chí Bí thư thì đến đến Đại hội XIII tất cả đều tham gia Bộ Chính trị. Một bước chuyển trong công tác cán bộ lãnh đạo, thể hiện tính liên tục, tính kế thừa rất rõ và đây là tinh thần tính khoa học trong công tác cán bộ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, các đồng chí lãnh đạo cấp cao có hai trách nhiệm lớn. Một là, trách nhiệm để hoàn thành các vị trí của mình, trọng trách của mình trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trách nhiệm thứ hai là đào tạo, bồi dưỡng những nhà lãnh đạo kế cận đủ tầm, đủ kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ, uy tín. Cái chữ “uy tín” cũng lớn, nhiều khi mình có tầm, có trí tuệ, có nhiều tố chất, nhưng để có uy tín đòi hỏi rất cao, mà uy tín thì không phải chỉ uy tín trong Đảng, uy tín trong dân, thậm chí uy tín quốc tế. Trọng trách của các đồng chí rất lớn, hy vọng là trong nhiệm kỳ khóa XIII này, các nhà lãnh đạo, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đó nhất định sẽ hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng, trực tiếp Đại hội tín nhiệm.    


 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

Xung quanh công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII của Đảng, Thạc sĩ Ngô Minh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng nhận định: Đại hội đã thành công rất tốt đẹp như  lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Văn kiện được chuẩn bị kỹ càng, có nhiều nội dung mới, tiếp thu được nhiều ý kiến của nhân dân. Về công tác nhân sự, được chuẩn bị bài bản, chặt chẽ, chất lượng. Công tác phục vụ rất chu đáo.

Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Kế hoạch về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo phương châm bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, hiệu quả và có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh. Đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất,  bảo đảm nhân sự, quy hoạch cán bộ cấp trên. Trong số này, nhiều đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.  Sau khi quy hoạch, Ban Tổ chức Trung ương cũng tham mưu cho Bộ Chính trị tổ chức bồi dưỡng, đào tạo được 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược và đây chính là nguồn nhân sự quan trọng để chủ động chuẩn bị cho nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Thứ hai, công tác xây dựng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII được Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, đồng thời tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, hiệu quả theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thật thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.

Theo Thạc sĩ Ngô Minh Tuấn, đó là nét mới trong công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ này. Ngoài ra, việc thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu giữa tính phổ biến và tính đặc thù, giữa chuyên môn đào tạo và sở trường năng lực thực tiễn, giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển, trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả, bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc. Tuy nhiên, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, không bỏ sót người có tài, có đức, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân.


Thạc sĩ Ngô Minh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng (trái).

Về quy trình nhân sự, được tiến hành theo các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.  Đồng thời, được cụ thể hóa cho làm quy trình cho  các đồng chí  tái cử trước, sau đó mới làm cho các đồng chí ứng cử lần đầu. Và cũng theo từng nhóm đối tượng chức danh, đồng thời cũng bảo đảm cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự kế thừa ổn định, đổi mới và phát triển liên tục.

Thứ ba, có một nét mới nữa là về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng có nét mới so với Đại hội lần thứ XII. Đó là Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành một quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội XIII để các đảng bộ trực thuộc Trung ương lựa chọn, bầu những đại biểu thực sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín trong Đảng bộ để tham dự và nhất là phải bảo đảm đủ điều kiện về sức khỏe, tham dự đầy đủ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Kết quả, đã biết có tổng số 1587 đại biểu tham dự Đại hội. Nhìn lại 13 kỳ Đại hội thì đây là kỳ Đại hội có số lượng đại biểu đông nhất, tăng 77 đại biểu so với nhiệm kỳ Đại hội XII.

Có một đặc điểm mới nữa: Tại Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương có thảo luận thông qua Quy chế bầu cử và quy chế làm việc của Đại hội XIII. Hai dự thảo quy chế này được chuẩn bị rất bài bản, công phu, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện quy chế bầu cử và quy chế làm việc của Đại hội XII và  có một số nét mới.

Cụ thể, về quy chế bầu cử Đại hội XIII thì có hai nét mới. Thứ nhất là quy định cụ thể và trách nhiệm của người đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tổng Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Thứ hai là việc ghi phiếu bầu cử được thực hiện tại hội trường và phòng họp của đoàn đại biểu. Ngoài ra, có thêm một nét mới đó là công tác thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 luôn được chú trọng thực hiện nghiêm túc./.

Bích Lan