ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

08/02/2021

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi theo hướng đưa môi trường cùng với kinh tế -xã hội là trung tâm của phát triển bền vững; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Để luật sớm đi vào cuộc sống thì các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Nhìn lại giai đoạn 5 năm qua (2015-2020), công tác bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chính phủ, các cấp, các ngành đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường , tập trung giải quyết điểm nóng, các vấn đề môi trường lớn, bức xúc được đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm, kiến nghị, quyết tâm tạo sự chuyển biến mới trong công tác bảo vệ môi trường .

Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới là tiếp tục kiên định với quan điểm “phát triển nhanh và bền vững”, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; đồng thời, không hy sinh môi trường để đổi lấy các lợi ích kinh tế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, bền vững; không cấp phép các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác khoáng sản không gắn với chế biến sâu, lãng phí tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ cao về gây ô nhiễm môi trường.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10

Để hiện thực hóa quan điểm, chủ trương nêu trên, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm thể chế hóa việc thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, kiểm soát nguy cơ phát sinh sự cố môi trường và vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi theo hướng đưa môi trường cùng với kinh tế -xã hội là trung tâm của phát triển bền vững, gắn kết hài hòa với ứng phó biến đổi khí hậu; chuyển đổi từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sang mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ít phát thải các-bon, thân thiện với môi trường; quy định việc kiểm soát các hoạt động phát triển kinh tế -xã hội theo phân vùng môi trường; phân luồng các dự án đầu tư phát triển theo các tiêu chí về môi trường, kiểm soát chặt chẽ các dự án, hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tác động xấu nhiều mặt lên môi trường; quy định cơ chế khuyến khích các dự án áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có…nhằm đảm bảo gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng môi trường sống.

Để Luật nhanh chóng đi vào đời sống, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Triển khai xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, đảm bảo phù hợp với sức chịu tải của môi trường. Quy hoạch và phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để giám sát chặt chẽ, cảnh báo chất lượng môi trường trên phạm vi cả nước.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Rà soát, tiếp tục tăng cường cơ chế giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, buộc các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khi thải tự động liên tục theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để theo dõi, giám sát.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo lộ trình tiến tới năm 2021 áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước tiên tiến trong khu vực nhằm thiết lập các hàng rào kỹ thuật duy trì và bảo vệ chất lượng môi trường, đảm bảo sự chủ động đề kháng trước các nguy cơ ô nhiễm, dịch chuyển công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương trong tình hình mới, tiến tới hình thành mô hình quản lý phù hợp để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại địa phương. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp. 

Thứ ba, thiết lập và triển khai có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường vai trò điều phối, phân bổ chi ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ tư, áp dụng hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Phải đề cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi lựa chọn dự án và nhà đầu tư trên cơ sở xem xét hài hòa lợi ích địa phương và lợi ích quốc gia, khắc phục tình trạng cấp phép khi chưa có đủ căn cứ, nguồn lực, dẫn đến khá nhiều dự án không có tính khả thi. Ban hành các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường. Khoanh vùng các đối tượng chính gây ra những vấn đề môi trường bức xúc để chủ động kiểm soát chặt chẽ. Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; chủ động nắm bắt và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh; ứng phó, xử lý, khắc phục các sự cố, vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, tận dụng có hiệu quả các thành tựu về khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản lý môi trường; trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường tại các nước.

Thứ sáu, thực hiện tốt nguyên tắc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, quần chúng nhân dân từ hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách pháp luật, huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp FDI về ý thức sản xuất, tự giác trong công tác bảo vệ môi trường.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 

Có thể nói, với sự nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường đã được kiềm chế. Ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây được giảm dần; một số dự báo tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã được ngăn ngừa có hiệu quả; nền kinh tế có bước phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường. Đã chuyển từ thế bị động sang chủ động trong ứng phó, giải quyết các sự cố, vụ việc ô nhiễm môi trường phát sinh trên phạm vi cả nước, góp phần làm giảm các bức xúc, điểm nóng về môi trường. Trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tập trung triển khai mạnh mẽ các giải pháp bảo vệ môi trường, kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế. Quốc hội cũng cần tăng cường vai trò giám sát trong lĩnh vực này./.

Bảo Yến