CHỦ NHIỆM UỶ BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NGUYỄN ĐỨC HẢI: HOÀN THÀNH THẮNG LỢI MỤC TIÊU TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH 5 NĂM

08/02/2021

''Dư địa tài khóa tích lũy từ việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016 - 2019 đã giúp bảo đảm cân đối ngân sách năm 2020 cả ở cấp Trung ương và địa phương; qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính - ngân sách 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội''...

 

''Dư địa tài khóa tích lũy từ việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016 - 2019 đã giúp bảo đảm cân đối ngân sách năm 2020 cả ở cấp Trung ương và địa phương; qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính - ngân sách 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội'', Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm xuân của một thập kỷ mới.

Quyết sách của Quốc hội tiếp sức cho người dân

- Việt Nam nằm trong số ít quốc gia kiểm soát thành công dịch bệnh và tăng trưởng ấn tượng. Kết quả này nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, trách nhiệm của hết thảy người dân. Ở khía cạnh tài chính - ngân sách, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những chính sách nào để hỗ trợ nền kinh tế, thưa Chủ nhiệm?  

Ảnh: Quang Khánh

- Năm 2020, Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ, kịp thời ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.

Cụ thể, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nghị quyết nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế và người phụ thuộc; Nghị quyết về việc giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1.8.2020. 

Ước tính trong năm 2020 có 185 nghìn lượt người được gia hạn nộp thuế; 6 triệu người được thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí với tổng kinh phí được miễn, giảm, gia hạn khoảng 130 nghìn tỷ đồng.

Có thể nói những quyết sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực vượt qua khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 gây ra và góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép, đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Trong khi tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sâu thì kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng với tốc độ tăng GDP ước tính đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.

- Kết quả tăng trưởng tuy ấn tượng nhưng còn cách xa chỉ tiêu Quốc hội giao. Mặc dù vậy bức tranh ngân sách nhà nước năm 2020 không đến nỗi “u ám” như Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10. Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về kết quả này?

- Nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2020 được triển khai trong bối cảnh có rất nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19, tình hình thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả... Kết thúc năm 2020, thu cân đối ngân sách nhà nước đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán, tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, bám sát dự toán được giao, bảo đảm đáp ứng kịp thời để thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công có nhiều tiến bộ, ước đạt 466,6 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% kế hoạch năm và tăng 34,5% so với năm trước. Đồng thời, nguồn lực ngân sách được tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, khắc phục kịp thời hậu quả bão lũ, thiên tai, dịch bệnh…

Bội chi ngân sách cả năm dự kiến bằng 3,93% GDP, tôi cho rằng đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

- Theo Chủ nhiệm, yếu tố nào giúp tình hình tài chính quốc gia duy trì được sự ổn định như vậy?

- Như tôi nói ở trên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhờ dư địa tài khóa tích lũy từ việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016 - 2019, nên cân đối ngân sách năm 2020 kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương cơ bản được bảo đảm. Qua đó, góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách năm 2020 và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính - ngân sách 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công và Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Tập trung thẩm tra kế hoạch tài chính trung hạn

- Nhìn lại nhiệm kỳ Khóa XIV, ông tâm đắc với điều gì nhất trong lĩnh vực tài chính -  ngân sách?

- Ngay khi nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách và sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XIV kiện toàn các vị trí do Quốc hội bầu, tôi đã nhận thức rằng công việc rất quan trọng và nặng nề đó là việc thẩm tra trình Quốc hội thông qua 2 nghị quyết quan trọng về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. 

Tại sao như vậy? Bởi đây là lần đầu tiên Quốc hội xây dựng xây dựng kế hoạch tài chính và đầu tư công trung hạn. Việc chuyển tư duy từ quản lý ngắn hạn sang trung và dài hạn đòi hỏi phải làm tốt công tác dự toán, dự báo, đánh giá tình hình cân đối nguồn lực trong điều kiện kinh tế quốc tế và trong nước có nhiều biến động. Đồng thời, đòi hỏi thay đổi về quan điểm đầu tư dàn trải sang tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tính chủ động của địa phương nhưng tăng cường đầu tư và tập trung của ngân sách trung ương; thay đổi tư duy quản lý nợ công và bội chi ngân sách; chuyển từ nguồn lực vay nước ngoài sang phát huy nội lực là chủ yếu. Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp đi đôi với quản lý thống nhất tập trung các nguồn lực tài chính, tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

- Sự thay đổi tư duy quản lý đó mang lại kết quả như thế nào, thưa Chủ nhiệm?

- Như tôi đã nói, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính - ngân sách 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công và Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu ngân sách đạt 6,89 triệu tỷ đồng, bằng 100,4% kế hoạch. Cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 85,5% năm 2020, tỷ trọng thu dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.

Tỷ trọng chi ngân sách bình quân khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 29,5% GDP). Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 ước đạt trên 29%, chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi ngân sách.

Bội chi ngân sách bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3,6%GDP, bảo đảm mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết 25 của Quốc hội.

Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, giảm mạnh so với mức tương ứng là 63,7% và 52,7% năm 2016.

- Năm 2021, Ủy ban sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Chủ nhiệm?

- 2021 là năm chuyển tiếp 2 nhiệm kỳ, có nhiều biến động về tổ chức, nhân sự; đồng thời là năm thực hiện nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đây cũng là năm chuyển tiếp của kế hoạch tài chính và đầu tư công trung hạn 5 năm. Vì vậy cần tập trung thẩm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và trình Quốc hội quyết định kế hoạch 5 năm trung hạn 2021 - 2025. Trong đó, cần lưu ý dành một phần nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho các công trình trọng điểm quốc gia; cho 2 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; và giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó là việc chuẩn bị quy hoạch, giới thiệu quy hoạch, giới thiệu cán bộ có năng lực để tham gia hoạt động Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách; tiếp tục đổi mới hoạt động của Ủy ban để nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng về tài chính - ngân sách.

Chính sách tài khóa thời gian tới tiếp tục theo đuổi định hướng chủ động, chặt chẽ, hiệu quả phối hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bội chi và nợ công.

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)