BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI GIẢI TRÌNH VỀ ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG MỘT SỐ ĐOẠN ĐƯỜNG CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC-NAM PHÍA ĐÔNG

11/06/2020

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Theo Tờ trình số 282/TTr-CP, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và đề xuất chuyển đổi 03 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung thêm vốn nhà nước vì các lý do sau: Thứ nhất, theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án thành phần có từ 02 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 01 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh về tài chính. Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ khó lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu do nhà đầu tư khó có thể huy động được nguồn vốn tín dụng. Trường hợp đấu thầu không thành công mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư thì có thể đến năm 2022 mới triển khai thi công. Thứ hai, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.


Các đại biểu Quốc hội nghe Bộ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 03 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 05 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác. Việc lựa chọn các dự án thành phần nêu trên cũng phù hợp khi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó, cần thiết phải chuyển đổi. Đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên do 02 dự án thành phần này có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.

Việc chuyển đổi 02 dự án thành phần này sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cho các dự án thành phần này; đây cũng là 02 dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe). Ngoài ra, theo dự báo, nhu cầu vận tải của 02 dự án thành phần này rất lớn, khả năng nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước đối với 02 dự án thành phần này tính khả thi cao. Tuy nhiên, nếu các dự án này được lựa chọn chuyển đổi thì tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn. Ngoài ra, cả 03 dự án thành phần nêu trên nếu được chuyển đổi sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do sử dụng vốn đầu tư công lớn vì vậy, cần thực hiện theo quy định là dự án quan trọng quốc gia quy định tại Luật Đầu tư công.

Một số ý kiến khác đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, đối với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 52. Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật PPP nhằm tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng nay lại đề xuất chuyển đổi một số dự án PPP là mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng dự án Luật PPP, nhất là việc đề xuất nội dung này tại cùng kỳ họp xem xét thông qua dự án Luật PPP. Mặt khác, việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi là chưa hợp lý vì 02 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP và đến nay đã được một số nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm. Có ý kiến quan ngại việc điều chỉnh phương thức đầu tư đối với 02 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện được chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.


Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Sau khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đề xuất những giải pháp hữu hiệu cũng như đưa ra một số vấn đề cần làm sáng tỏ đối với điều chỉnh Dự án.

Về ý kiến đề nghị cần giải trình rõ hơn vì sao tiến độ thực hiện Dự án chậm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ: Cuối tháng 11/2017, Chính phủ đã trình Quốc hội về phương án đầu tư công 11 dự án đường cao tốc Bắc-Nam. Sau khi có Nghị Quyết của Quốc hội, từ tháng 11/2017 đến tháng 10/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức đấu thầu rộng rãi để chọn tư vấn cho 11 dự án và sau đó thẩm định, tư vấn để có thời gian lập hồ sơ. Đến tháng 10/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành 11 dự án phê duyệt báo cáo với Chính phủ và trong các kỳ họp cũng đã báo cáo với Quốc hội.

Từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành toàn bộ 11 dự án về mặt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tư vấn nghiên cứu địa hình phù hợp với các phương để đưa ra giải pháp. Như vậy, đến tháng 6/2019, Bộ Giao thông Vận tải mới đủ điều kiện để đấu thầu. Còn tháng 4/2019, Bộ đã bàn giao cho địa phương giải phóng mặt bằng và cho đến nay đạt được tiến độ là trên 73%.

Từ tháng 6/2019 đến tháng 9/2019, chúng ta tiến hành đấu thầu quốc tế trên tinh thần thu hút vốn. Tuy nhiên sau khi tiếp cận 100 nhà đầu tư trong nước và 70 nhà nước ngoài thì đến tháng 9/2019 có 32 nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ các nước trong khu vực châu Á. Trước tình hình như vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và sau khi có chủ trương thì tháng 9/2019, Bộ công bố hủy thầu quốc tế để chuyển qua đấu thầu ở trong nước. Từ tháng 10/2019 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện xong toàn bộ công tác sơ tuyển và có khoảng 20 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.  

Có thể  nói, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải nói riêng, các Bộ ngành nói chung đã tập trung cao độ để thực hiện dự án khẩn trương. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện theo Luật Đầu tư và các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đây là những dự án trọng điểm quốc gia nên Bộ Giao thông Vận tải cũng xác định sẽ thanh tra, kiểm toán thậm chí cả điều tra... theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyên nhân khác dẫn đến tiến độ thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 chậm là vì không thể chuyển nguồn vốn đầu tư. Tháng 11/2017, lúc đó chúng ta dự định huy động vốn đầu tư nước ngoài và cả ở trong nước. Bởi vì thực lực ngân sách Nhà nước đã đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng cho dự án BOT nên rất khó khăn. Từ tháng 6 đến tháng 9/2019, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo với Bộ Chính trị để chuyển Dự án sang đầu tư ở trong nước thì lúc đó vẫn có 32 nhà nước ngoài với tiềm lực tài chính rất mạnh. Tuy nhiên, nghiên cứu ở nhiều góc độ, yếu tố thì chúng ta mới xem xét chuyển Dự án sang đầu tư ở trong nước để phù hợp với tình hình ở nước ta và đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng.

Thực tế, khi chuyển đầu tư Dự án sang đầu tư ở trong nước thì chúng ta đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo với Bộ Chính trị, Ủy ban Kinh tế 2 lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 lần và các Bộ ngành có liên quan như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi có sự thống nhất giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ để có Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Nói như vậy để thấy rằng, tất cả các thông số được sàng lọc, kiểm ra kỹ lưỡng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định: Thực tế hiện nay, chúng ta khó thu thu hút nguồn tín dụng để triển khai Dự án. Nếu không thu xếp được vốn tín dụng thì không khởi công xây dựng Dự án được và nếu muốn khởi công thì phải báo cáo lại Quốc hội. Khi chuyển Dự án sang đầu tư công là thực hiện theo Nghị quyết 52 thì 3 dự án đầu tư công sẽ phải xây dựng cơ chế thu phí lại. Đây là hình thức Nhà nước đầu tư và sau đó thu phí, hoàn vốn lại cho Chính phủ. Nếu như nhà đầu tư huy động vốn thì cũng phải hoàn vốn lại cho nhà đầu tư. Hiện nay, huy động vốn tín dụng từ bình quân là hơn 10,5%/ năm trong khi vốn phát hành trái phiếu là 3,5%. Nếu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bằng trái phiếu Chính phủ thì lợi ích xã hội đem lại rất lớn. Tuy nhiên, quan trọng là phải có tiền thì chúng ta mới thực hiện được Dự án.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Các dự án đầu tư công đều phải thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục nên rất mong các đại biểu Quốc hội xem xét việc Bộ đã triển khai. Khi chuyển sang đầu tư công sẽ nhanh hơn đầu tư theo hình thức PPP vì toàn bộ 8 dự án đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán nên chúng ta phải tiến hành ngay việc đấu thầu trong nước để chọn nhà đầu tư. Thời gian để cho nhà đầu tư nghiên cứu dự án là 3 tháng, 3 tháng còn lại là để Bộ Giao thông Vận tải cùng các Bộ ngành thẩm định, phê duyệt để trình lên Chính phủ nên đến tháng 11/2020, chúng ta mới công bố nhà đầu tư, rồi mới ký hợp đồng và cho nhà đầu tư 6 tháng thu xếp nguồn vốn. Dự án nào được nhà đầu tư thu xếp đầy đủ nguồn vốn thì mới cho triển khai thi công. Còn nếu không thì chúng ta phải hủy kết quả đấu thầu, hủy hợp đồng và tiến hành báo cáo lại.

Khi chuyển Dự án sang đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh thiết kế, phân chia gói thầu, hoàn thành dự toán, hồ sơ mời thầu đã được chuẩn bị sẵn sàng. Hiện Bộ chỉ chờ Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ thì mới phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Khoảng từ tháng 6 đến tháng 7/2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời thầu. Các nhà thầu sẽ tham gia trong 3 tháng và đến cuối tháng 9/2020, chúng ta sẽ có kết quả để khởi công một vài gói thầu. Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công các gói thầu vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11/2020. Như vậy, tất cả các gói thầu của 3 dự án chuyển sang đầu tư công sẽ được khởi công trong năm 2020. Còn nếu thực hiện theo hình thức PPP thì đến tháng 12/2020 mà không có nhà đầu tư thì Bộ Giao thông Vận tải phải báo cáo lại. Tới tháng 6/2021 không thu xếp được nguồn vốn tín dụng cũng phải báo cáo lại.

Về việc lựa chọn 3 dự án sang đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây là 3 dự án trọng điểm, nối với các trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối giao thông giữa các vùng miền. Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 52 là đến tháng 11/2020 đấu thầu không thành công và đến tháng 6/2021 vẫn không thu xếp được vốn thì xin Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết 52 sẽ quyết định đầu tư Dự án theo hình thức chuyển sang đầu tư công hay hình thức nào đó.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh