THẢO LUẬN TỔ 07 VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI): CÂN NHẮC NÂNG LÊN THÀNH BỘ LUẬT

11/06/2020

Sáng 11/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại Tổ 07 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các đại biểu đề nghị đổi tên dự án Luật thành Bộ luật và xem xét quy trình tại 3 kỳ họp.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 07 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Trước đó trong đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo đó, với vai trò là đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường có tính nguyên tắc trong mối tương quan với các luật chuyên ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Ví dụ như các quy định về đa dạng sinh học, bảo vệ chất lượng nước nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch, quan trắc, điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, tài nguyên nước; góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, kết nối các thành phần môi trường, thể hiện bao quát, đầy đủ bức tranh chung về môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Dự thảo Luật sau khi rà soát, tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, hoàn thiện gồm 16 chương, 186 điều.

Cân nhắc nâng tầm của Luật

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật. Theo đại biểu Bùi Quốc Phòng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động sâu đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân, thực tiễn cuộc sống cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác bảo vệ môi trường. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu để nâng lên thành Bộ luật.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng chưa bao giờ vấn đề môi trường được quan tâm như hiện nay không chỉ ở tầm quốc gia mà cả thế giới. Theo đó, kinh tế - xã hội – môi trường trở thành 3 trụ cột bảo đảm cho sự phát triển bền vững; thực tế các vấn đề về biến đổi khí hậu, thiên tai thời gian qua chỉ báo để nâng cao trách nhiệm ý thức bảo vệ môi trường.

Ghi nhận dự thảo Luật lần này là hết sức đồ sộ cả về chương, điều, nội dung đề cập đến hầu hết các lĩnh vực, tác động ảnh hưởng rất rộng, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cân nhắc đổi tên thành Bộ luật để thể hiện tầm vóc của luật cũng như có ứng xử, trách nhiệm đầy đủ. Cùng với đó xem xét quy trình thông qua dự án Luật theo quy trình 2 kì hoặc 3 kì họp và theo quy trình nào vẫn cần thông qua nhiều kênh để lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi, sự tham gia của Mặt trận và các đoàn thể, thảo luận từ cơ sở các vấn đề của luật.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng lưu ý nguyên tắc bảo vệ môi trường cũng cần quy định theo hướng bảo đảm cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường đều đi cùng nhau. Đồng thời đề nghị rà soát các quy định thể hiện dễ hiểu, nhưng cũng đúng văn phong luật, mang tính quy phạm; các quy định về hành vi bị nghiêm cấm cần tham chiếu đối với các loại tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Bảo đảm vai trò giám sát của nhân dân

Đại biểu Nguyễn Văn Tuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng lần sửa đổi Luật lần này cần phải giải quyết được những vấn đề bức xúc nhất về môi trường hiện nay. Đó là ô nhiễm ở các cụm khu công nghiệp, vấn đề rác thải nông thôn và ô nhiễm môi trường làng nghề. Đại biểu chỉ rõ, hiện nay chưa quy định rõ về thu gom nước thải khu công nghiệp, giám sát thanh tra kiểm tra xử lý môi trường ở khu công nghiệp cũng chưa rõ ràng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu quy mô công nghệ xử lý rác thải nông thôn khi mà các tỉnh đồng bằng gặp khó khăn trong bố trí diện tích chôn lấp rác, công nghệ xử lý rác nhỏ lạc hậu, hơn nữa không có địa phương nào mà người dân đồng ý đặt nhà máy xử lý rác thải tập trung trên địa bàn của mình. Ngoài ra, trong sản xuất nông nghiệp có nhiều vấn đề từ tồn dư chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuân cho biết thêm, dự thảo Luật đã đề cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên trên thực tế thường chỉ khi có sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương thì các tổ chức đoàn thể mới có thể vào cuộc trong giám sát bảo vệ môi trường. Do đó, cần quy định để đảm bảo tính khả thi, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể.

Theo đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang dự thảo luật lần này quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức theo hướng đổi mới mạnh trong công cụ cơ chế quản lý, đại biểu cho rằng nếu thực hiện đúng quy định thì chất lượng môi trường sẽ được cải thiện. Tuy nhiên vấn đề ở đây vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Đại biểu Ma Thị Thúy phân tích, một trong những điểm mới của dự thảo luật là việc phân cấp giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền thẩm định gắn với trách nhiệm thanh tra kiểm tra ở địa phương. Quy định này mang tính đột phá và chặt chẽ nhưng thực tế hiệu quả tại cơ sở thì phụ thuộc tổ chức thực hiện.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang 

Do đó, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị quy định quyền trực tiếp tham gia giám sát thực thi bảo vệ môi trường của người dân bởi hiện nay mới chỉ quy định vai trò tham giá giám sát gián tiếp thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; đồng thời cần có cơ chế để bảo đảm quyền tham gia của người dân để bảo đảm tính khách quan toàn diện, phát huy vai trò, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh