ĐẦU TƯ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI LÀ ĐẦU TƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN

11/06/2020

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại tổ 07 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, chiều 8/6 vừa qua, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết cần phải có một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tập trung đầu tư tạo chuyển biến thực sự trong đời sống đồng bào.

Thảo luận tại Tổ 07 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị

Thảo luận tại Tổ 07 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết cần phải có một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bởi đây là vùng trũng về kinh tế-xã hội của đất nước, kéo dài trong rất nhiều năm chậm được khắc phục. Việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội  vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong cả nước. Đồng thời lưu ý sự nghiệp đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi là việc cần thiết, thường xuyên, lâu dài trải qua nhiều thế hệ thì mới từng bước thay đổi được; việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần phải hài hòa với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, Chương trình cần được nghiên cứu kỹ, thấu đáo giữa phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần chọn trọng tâm trọng điểm, cần làm rõ nội dung mới, hướng đột phá của Chương trình để từ đó tập trung đầu tư thực hiện và đột phá tạo khác biệt, khắc phục được hạn chế mà đã tổng kết chỉ ra, không nên tràn lan vào tất cả các lĩnh vực.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng cần tập trung thực hiện theo đúng các mục tiêu tổng quát đề ra là giảm nghèo; đào tạo nhân lực; phát huy bản sắc dân tộc; bình đẳng giới; xây dựng hệ thống chính trị và tăng cường khối đại đoàn kết. Khi triển khai đi vào các dự án thành phần cần thiết kế lại đặt mục tiêu cụ thể để tránh lặp lại hạn chế đầu tư tràn lan trước đây.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Khẳng định ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là yêu cầu cấp thiết, khách quan, khắc phục vướng mắc trong thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị xem xét đề xuất mụ tiêu của đề án đến năm 2025 cần bổ sung một số chỉ tiêu tối thiểu cần đạt được để các địa phương, cơ sở đề ra nhiệm vụ giải pháp phù hợp. Chính phủ cũng cần giao cho bộ ngành địa phương tổng kết, đánh giá rà soát để tránh sự chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, địa bàn khi triển khai Chương trình này với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hay Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; cần có quy định về cơ chế phối hợp, thực hiện đồng bộ thống nhất giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bày tỏ vui mừng khi vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, với các giải pháp cụ thể đã được đặt ra trong Chương trình, đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị, Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả nội dung này.

Phát biểu giải trình thêm về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Thời gian qua, Quốc hội đã rất quan tâm đến chính sách dân tộc. Chưa có khóa Quốc hội nào lại quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách dân tộc như Quốc hội khóa XIV. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có tính đặc thù, tích hợp để thực hiện các chính sách dân tộc. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 là 1 giải pháp trong 8 nhóm giải pháp đặt ra trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, không thể mong muốn trong một chương trình mà giải quyết được hết các nội dung liên quan đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số mà tập trung lựa chọn những trọng tâm, trọng điểm những yêu cầu cấp thiết trong đời sống của đồng bào để giải quyết và khi giải quyết xong sẽ tạo chuyển biến một bước mạnh mẽ đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh thông qua Chương trình này sẽ thay đổi bản chất ứng xử với đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như trước đây xác định đầu tư cho vùng này là xóa đói giảm nghèo thì hiện nay xác định đầu tư cho vùng này là đầu tư cho phát triển

Nhấn mạnh việc thực hiện tốt Đề án tuy chưa phải là “bài thuốc” đặc trị để giải quyết tất cả các vấn đề đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng chắc chắn là luồng sinh khí mới mà Quốc hội đã thông qua, Chính phủ triển khai thực hiện quyết liệt, sẽ thay đổi hẳn tư duy, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được nâng lên rõ rệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tin tưởng trong 3 năm tới sẽ thấy được sự thay đổi rõ rệt của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thảo luận toàn thể tại hội trường về nội dung  này vào chiều ngày 12/6 tới. Phiên họp sẽ được phát thanh truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi./.

Bảo Yến