THẢO LUẬN TẠI TỔ SỐ 04 VỀ VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

11/06/2020

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 11/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tổ số 04 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Cần Thơ.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu tại tổ nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KT/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật bảo vệ môi trường trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Một số đại biểu cũng đánh giá Dự thảo Luật sửa đổi đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường. Dự thảo Luật có nhiều điểm đổi mới căn bản.

Toàn cảnh Phiên họp

Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân- Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ quan tâm đến các những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 6. Điều Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: chôn lấp, thải bỏ chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác vào môi trường đất, nước và không khí trái pháp luật, không đúng quy định pháp luật; thải chất thải rắn chưa được phân loại, xử lý theo quy định của pháp luật; thải chất ô nhiễm chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; thải bỏ các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vượt quá giá trị giới hạn cho phép vào môi trường đất, nước và không khí; phát tán vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật; thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá giá trị giới hạn cho phép. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá giá trị giới hạn cho phép…Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần bổ sung các quy định liên quan đến cấm phân biệt đối xử về giới.

Đại biểu Leo Thị Lịch phát biểu

Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Leo Thị Lịch- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị trong Điều 18 về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất, cần quan tâm đến cải tạo môi trường xanh để đảm bảo giảm thiểu tác động xấu đến sức khoẻ con người. Đồng thời làm rõ hơn công tác quản lý nhà nước đối với chất thải nói chung, chất thải rắn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho ý kiến

Tham gia thảo luận tại Phiên họp tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Phương- Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu quy định trong Dự án Luật. Theo đại biểu, nội hàm nội dung này còn ít, đề nghị cần luật hóa các vấn đề về biến đổi khí hậu để có biện pháp thích ứng; đồng thời mở rộng thêm Chương này để đảm bảo công tác pháp lý ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó cần bổ sung và làm rõ các quy định về kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần rà soát lại toàn bộ Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) về giải thích từ ngữ, nội dung các Chương, Điều và kỹ thuật lập pháp để hoàn thiện thêm một bước về Dự án Luật này./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh