Đại biểu Tống Thanh Bình phát biểu
Cho ý kiến từ điểm cầu trực tuyến, đại biểu Tống Thanh Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho biết, trước tình hình xâm hại trẻ em ngày càng nhức nhối, đối với Quốc hội, cần sớm chỉ đạo tổng kết, sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung. Đặc biệt là những quy định cụ thể của Luật Xử lý vi phạm hành chính nói riêng, đảm bảo các quy định được phát huy hiệu quả cao nhất khi được áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, tăng cường thực hiện các hoạt động khảo sát, giám sát, chất vấn thường xuyên việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về thực hiện quyền trẻ em; giám sát việc bố trí ngân sách, nhân lực phù hợp để thực hiện Luật Trẻ em và các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em của các cấp, các ngành.
Đối với Chính phủ, cần tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế về đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên lĩnh vực bảo vệ trẻ em và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ, đặc biệt là trong phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp xử lý bạo lực, xâm hại tình dục trẻ. Quy trình về tư pháp thân thiện đối với trẻ em, v.v.. Đồng thời rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không để một trẻ em nào đi bỏ lại phía sau, sớm hoàn thiện Bộ chỉ số về thực hiện quyền trẻ em, nâng cao chất lượng thu thập thông tin, báo cáo về thực hiện Luật Trẻ em và định kỳ công bố rộng rãi việc xếp hạng các địa phương về thực hiện quyền trẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bố trí, hỗ trợ đủ nguồn lực cho các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện Luật Trẻ em và các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em ở địa phương.
Đề nghị Viện kiểm sát tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quy trình, thủ tục, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án xâm hại trẻ em nói chung, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc lập quy hoạch, kế hoạch theo thẩm quyền để xây dựng, nâng cấp các cơ sở có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Xây dựng, sớm đưa chương trình giáo dục kỹ năng tác hại phòng, chống xâm hại trẻ em, giáo dục giới tính theo từng cấp độ, bậc học, trong nhà trường, xã hội đảm bảo phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kết quả tổ chức thực hiện.
Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu rõ, với cách tiếp cận từ góc nhìn của trẻ đã đặt ra cho chúng ta một vấn đề rằng, phải chăng hệ thống pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thoạt nhìn vào thì nghĩ là đủ nhưng thực chất tính răn đe mạnh mẽ vẫn chưa đủ. Hay nói cách khác, hành lang pháp lý bảo vệ trẻ chỉ mới mang mô hình của một ngôi nhà chứ chưa hẳn là một ngôi nhà an toàn, kiên cố và vững chắc. Đại biểu cho rằng, xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phải như xây một ngôi nhà an toàn bảo vệ trẻ, cần phải bắt đầu từ việc xây dựng nền móng. Đó chính là đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với trẻ và đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác này. Tiến tới là xây dựng 03 trụ cột cơ bản, đó là nhóm chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ, về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và về xâm hại trẻ em. Cuối cùng là mái nhà. Đó là những quy định của pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ, là yêu cầu bảo vệ trẻ em ở 03 cấp độ: Ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Trong 3 yếu tố cơ bản này đại biểu đặc biệt quan tâm đến xây dựng nền móng, bởi khi nền móng ấy lung lay thì nó sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.
Cũng tham gia phát biểu về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chỉ rõ, xâm hại trẻ em đã và đang là những vấn đề nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần và sự phát triển toàn diện ở trẻ em. Có thể khẳng định, trẻ em Việt Nam đang ngày được Đảng, Chính phủ, gia đình và toàn xã hội quan tâm, chăm sóc ngày càng tốt hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, được đảm bảo các quyền và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện. Hệ thống chính sách pháp luật liên quan tới trẻ em nói chung và việc ban hành thực thi các chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của nước ta ngày càng phong phú, hoàn thiện hơn. Điều này đã được nêu rất rõ trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Đoàn giám sát Quốc hội. Tuy nhiên, theo các báo cáo trên, cũng như rất nhiều vụ việc gần đây được phản ánh trên báo chí đã cho thấy thực trạng vấn đề xâm hại trẻ em ở nước ta ngày một gia tăng, với tính chất, mức độ ngày một nghiêm trọng, phức tạp. Vỉ vậy, đây là vấn đề Quốc hội cần đặc biệt quan tâm và đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn để sớm cải thiện thực trạng đáng buồn này.
Toàn cảnh Phiên họp
Đại biểu cũng phân tích rõ, hiện nay hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam về vấn đề này đã tương đối đầy đủ, song vẫn chưa kịp đáp ứng với thực tế. Trong các văn bản dưới luật cần đưa ra các quy định, các khái niệm cụ thể hơn. Ví dụ quy định cụ thể về các hành vi xâm hại tình dục, quy định cụ thể hơn nữa về từng hành vi xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý răn đe cũng cần nghiêm khắc và có sức mạnh hơn nữa. Việc xử lý các vi phạm này còn có những vụ việc chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe, thậm chí còn bị thỏa hiệp, bị che giấu. Đại biểu đề nghị các phiên tòa xét xử tội xâm hại trẻ em phải được sự công khai để bảo vệ trẻ em thì nạn nhân không cần có mặt trong phiên tòa mà chỉ cần có người đại diện hợp pháp. Việc xử kín các tội danh xâm hại trẻ em chưa có tác dụng răn đe mạnh mẽ và cần có chế tài để giám sát tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là tội xâm hại tình dục trẻ em, ngay cả khi đã chấp hành xong án phạt tù.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý thì việc tổ chức thực hiện cũng có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên ở một số địa phương, cấp Ủy chính quyền chưa thật sự chú trọng đúng mức đến vấn đề này.
Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, với các ý kiến góp ý thẳng thắn, sâu sắc, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian tới nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian qua, đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập như nhiều đạo luật chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, một số quy định xử phạt hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, các văn bản pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đầy đủ, chưa phù hợp, tại nhiều địa phương công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận về khía cạnh nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo lại Quốc hội và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua./.